Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ

THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN

Thông tin cho bệnh nhân bị hậu COVID-19

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, còn được gọi là COVID-19, xảy ra khi bạn bị nhiễm một loại corona virus mới (SARS-CoV-2). Một số người bị COVID-19 nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào, trong khi những người khác gặp nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Chúng ta vẫn đang tìm hiểu về tác động của hậu COVID-19 đối với cơ thể. Trong vòng vài tuần, hầu hết mọi người sẽ hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, bất kể mức độ nghiêm trọng ban đầu của bệnh, một số người có thể gặp các triệu chứng ngay khi hết bệnh.

 

“COVID kéo dài” hay còn gọi là “Hậu COVID”, là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các triệu chứng dai dẳng này. Bạn được coi là mắc COVID kéo dài khi bạn vẫn còn các triệu chứng ít nhất 4 tuần sau lần đầu tiên bị nhiễm virus SARS-CoV-2. COVID kéo dài cũng có thể được gọi bằng các tên khác như tình trạng sau COVID, di chứng sau COVID-19 cấp tính (post-acute sequelae of COVID-19 PASC,.

Đối tượng nào có thể bị hậu COVID?

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang cố gắng tìm ra lý do tại sao một số người bị hậu COVID., Những người đã được chẩn đoán mắc hậu COVID Ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả những người không có bệnh nền. Những người trẻ tuổi và khỏe mạnh, thậm chí ngay cả những người bị nhiễm nhẹ vẫn có thể bị ảnh hưởng. Cần nghiên cứu thêm về nhiều loại triệu chứng và lý do tại sao một số người có các triệu chứng xấu hơn những người khác.

Dấu hiệu và triệu chứng nào để bạn biết bị hậu COVID?

COVID-19 có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan bao gồm phổi, tim, não, gan, thận và đường tiêu hóa. COVID-19 có thể ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan. Vì vậy, nó gây ra nhiều triệu chứng. Những người bị hậu COVID có thể có các triệu chứng kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Các triệu chứng phổ biến như:

Mệt mỏi

Hụt hơi hoặc khó thở

Khó tập trung và suy nghĩ (còn được gọi là 'sương mù não')

Đau đầu

Các triệu chứng khác bao gồm:

§  Cảm thấy mệt mỏi hoặc không khỏe sau khi làm việc hoặc hoạt động cần nỗ lực rất ít

§  Đau ngực

§  Tim đập nhanh hoặc đập thình thịch

§  Rối loạn giấc ngủ

§  Thay đổi tâm lý, trầm cảm hoặc lo lắng

§  Đau khớp hoặc cơ

§  Thay đổi khứu giác hoặc vị giác

§  Đau họng hoặc ho

§  Sốt

§  Buồn nôn hoặc tiêu chảy

§  Chóng mặt hoặc choáng váng

§  Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

§  Phát ban

§  Rụng tóc

Những người đã ở trong phòng chăm sóc đặc biệt vì COVID-19 có thể gặp các triệu chứng cụ thể khác. Chúng bao gồm suy nhược và rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Hội chứng sau chăm sóc đặc biệt đề cập đến các triệu chứng mà những người đang hồi phục sau bệnh hiểm nghèo (tức là nhập viện trong ICU) gặp phải. Nếu một bệnh nhân nhập viện với COVID trong ICU, họ có thể có các triệu chứng chồng chéo giữa hội chứng sau chăm sóc đặc biệt và hậu COVID.

Hậu COVID được chẩn đoán như thế nào?

Vẫn chưa có xét nghiệm chẩn đoán xác định cho hậu COVID. Hiện tại, chẩn đoán dựa trên các triệu chứng được báo cáo với tiền sử nhiễm COVID đã biết. Nhiều triệu chứng COVID kéo dài cũng phổ biến trong các tình trạng sức khỏe khác. Nếu những triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn kể từ khi bạn bị ốm, hoặc lần đầu tiên bạn trải qua, nguyên nhân của những triệu chứng này có thể là hậu COVID. Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để xem liệu có bất kỳ ảnh hưởng nào đến phổi, tim hoặc thận của bạn hay không, vì những thay đổi đó có thể được tìm thấy trong hậu COVID, mặc dù chúng không cần thiết được chẩn đoán hậu COVID.

Hậu COVID-19 được điều trị như thế nào?

Vẫn còn rất nhiều điều về hậu COVID và cách chăm sóc bệnh nhân mắc hậu COVID để chúng ta tìm hiểu. Không có phương pháp cụ thể cho việc điều trị hậu COVID. Hậu COVID tập trung vào việc quản lý để giảm mức độ nghiêm trọng do các triệu chứng.

Với các tình trạng sức khỏe khác nhau, bác sĩ có thể ra toa thuốc điều trị được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng tương tự. Bạn có thể được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng tương tự. Nếu bạn liên tục gặp các vấn đề về hô hấp và khó thực hiện các hoạt động hàng ngày, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang phổi, chụp CT hoặc kiểm tra các dấu hiệu tổn thương phổi. Bác sĩ có thể khuyến khích bạn tham gia chương trình phục hồi chức năng phổi để giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Để biết thêm thông tin về phục hồi chức năng phổi, hãy xem tờ thông tin ATS tại www.thoracic.org/patients

Đã có một số báo cáo cho biết, tiêm ngừa có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của hậu COVID. Tuy nhiên, các nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang được tiến hành. Điều rõ ràng là những người được chủng ngừa ít có khả năng bị hậu COVID, ngay cả khi họ bị nhiễm COVID-19. Vaccine được khuyến nghị cho những người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trước đây vì khả năng bảo vệ của vaccine lâu hơn so với miễn dịch tự nhiên.

Hướng dẫn tự chăm sóc

Một số người bị Hậu COVID bị các triệu chứng tồi tệ hơn sau khi làm việc quá sức. Bạn nên cẩn thận khi thực hiện các hoạt động. Ưu tiên của bạn là cố gắng hạn chế căng thẳng, chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng gây ra các hạn chế hoạt động bình thường của mình, bạn liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn để được hướng dẫn thêm.

Các bước hành động

ü Gọi cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn bị COVID-19 và có các triệu chứng sau hơn 4 tuần kể từ lần nhiễm đầu tiên. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và giới thiệu bạn đến các dịch vụ chăm sóc bổ sung nếu cần thiết.

ü Đừng nghĩ rằng bất kỳ triệu chứng mới nào cũng có liên quan đến hậu COVID vì chúng có thể không liên quan và là một phần của một bệnh hoặc quá trình bệnh khác và cần được chú ý ngay lập tức.

ü Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức nếu gặp bất kỳ các dấu hiệu:

· Khó thở đột ngột và nghiêm trọng

· Đau ngực

· Ý nghĩ tự tử

· Ho ra máu

· Nhức đầu dữ dội

· Yếu một bên cơ thể và khó nói

Tác giả : Stacey J Butler, MSc, Lekshmi Santhosh, MD, M.A.Ed, Samir Gupta, MD, MSc, Ann M Parker, MD, Andrea S Gershon, MD, MSc

Phản biện: Lauren Ferrante MD, MHS, Siri Vaeth MSW, Marianna Sockrider MD, DrPH

Người dịch: Trần Thanh Lộc - BS. Lê Thị Tuyết Lan

Nguồn tin

Hội lồng ngực Hoa Kỳ

www.thoracic.org/patients

– COVID 19

– COVID 19 vaccines

– Post-ICU Syndrome (PICS)

– Pulmonary rehabilitation

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/Hậu-term-effects/index.html

Hiệp hội phổi Hoa Kỳ

https://www.lung.org/lung-health-diseases/lungdisease-lookup/covid-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/risk-comms-updates/update54_clinical_Hậu_term_ effects.pdf?sfvrsn=3e63eee5_8

Hỗ trợ phục hồi chức năng tự quản lý sau bệnh liên quan đến COVID-19 Tổ chức Y tế thế giới WHO

https://apps.who.int/iris/bitstream/ handle/10665/333287/WHO-EURO-2020-855-40590- 54571-eng.pdf

Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân

Nguồn: American Thoracic Society https://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/long-covid.pdf