Khi xã hội phát triển, đất nước ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng là xu hướng tất yếu. Điều đó cũng kéo theo việc gia tăng sự xuất hiện các yếu tố gây dị ứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống con người. Dị ứng là một bệnh lý phổ biến ở nước ta và trên toàn thế giới nói chung với tần suất ngày càng tăng. Ước tính hiện nay, bệnh dị ứng chiếm khoảng 20% trong dân số trên toàn thế giới. Bệnh dị ứng là một tình trạng quá mẫn của hệ miễn dịch chống lại các yếu tố trong môi trường khi cơ thể tiếp xúc như thức ăn, mỹ phẩm, thuốc, lông súc vật…Các biểu hiện của bệnh dị ứng đa dạng, thay đổi từ nhẹ như ngứa, nổi ban đỏ trên da, hắt hơi, chảy mũi đến nặng như sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng. Các bệnh lý dị ứng thường gặp như mày đay, chàm, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...luôn gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà hầu như ai trong chúng ta cũng có nguy cơ mắc phải.
Hiện nay, các bệnh lý tự miễn cũng đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta và thế giới. Cơ chế bệnh sinh của các bệnh lý tự miễn nói chung là sự rối loạn ở hệ miễn dịch của cơ thể với nhiều cơ chế còn chưa được biết rõ. Nguyên nhân gây bệnh phức tạp, nhưng có nhiều yếu tố góp phần liên quan đến bệnh như yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, nhiễm trùng… Đặc điểm chung của bệnh tự miễn là diễn tiến mạn tính theo thời gian, ảnh hưởng đến toàn thân và tổn thương đa cơ quan trong cơ thể, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Việc điều trị cho các bệnh nhân tự miễn hiện nay ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Phần nhiều là bệnh nhân chưa có ý thức quan tâm cũng như là sự thiếu hiểu biết về các bệnh lý này, mặt khác, chúng ta hiện vẫn chưa có và chưa phát triển đúng mức chuyên ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, mà chuyên ngành này đã rất phát triển tại các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Hàn…
Do đó chúng tôi nhận thấy Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng là một chuyên ngành không thể thiếu nếu không nói là quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Với những lý do trên, chúng tôi thấy rằng nhu cầu thật sự cấp thiết cần có một môi trường để các bác sĩ, cán bộ y tế quan tâm đến các bệnh lý thuộc chuyên ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, cùng nhau học tập, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kiến thức. Và đó là cơ sở để Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM được ra đời.
Vào tháng 7/2014, được sự đồng ý của Hội Y Học TP.HCM, Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM chính thức được thành lập. PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan được bầu giữ chức chủ tịch Hội trong giai đoạn hoạt động của nhiệm kỳ đầu tiên 2014 – 2019. Với phương hướng hoạt động của Hội là tập hợp những người làm công tác liên quan đến chuyên ngành dị ứng và miễn dịch lâm sàng để cùng nhau học tập, trau dồi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức; tạo mối quan hệ hữu cơ với các đồng nghiệp trong gia đình y tế hầu làm tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
CHỦ TỊCH HỘI HEN – DỊ ỨNG – MIỄN DỊCH LÂM SÀNG TP.HCM
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan