Ngày 22 tháng 9, tại văn phòng Liên Chi hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, lớp đào tạo Y khoa liên tục (CME) với chủ đề “Đo các thể tích phổi bằng phế thân ký, đo sức cản đường dẫn khí và đo nồng độ Nitric Oxide trong khí thở ra” đã được tổ chức.

 

Các bác sĩ tham gia lớp học

Lớp học nhận được sự tham gia giảng dạy của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên Chi hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch Lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, Chuyên gia Hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố, Ths.BS Vũ Trần Thiên Quân, Bộ môn Sinh lý-Sinh lý bệnh-Miễn dịch, Đại học Y dược Thành phố và BS Trần Quốc Tài, Khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược.

Buổi sáng, lớp học bắt đầu chủ đề “Đo các thể tích phổi bằng phế thân ký và đo sức cản đường dẫn khí” với các chuyên đề: “Giới thiệu phế thân ký và các ứng dụng trong thực hành lâm sàng” của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, “Phân tích một số ca lâm sàng phế thân ký theo khuyến cáo của Hội lồng ngực Hoa Kỳ và Hội hô hấp Châu Âu (ATS/ERS-2022)” của Ths.BS Vũ Trần Thiên Quân và “Kỹ thuật đo phế thân ký và sức cản đường dẫn khí (Raw, Gaw)” của BS Trần Quốc Tài.


Giới thiệu phế thân ký và các ứng dụng trong thực hành lâm sàng

PGS.TS.BS chia sẻ tại lớp học

Chia sẻ về nguyên tắc hoạt động của phế thân ký, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết, phế thân ký gồm một buồng kín 700-1200 lít, có hai bộ phận đo áp suất phế nang và áp suất trong buồng rất chính xác. Nhiệt độ và độ ẩm trong buồng được giữ ổn định.

Kết luận chuyên đề, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan nhấn mạnh, hô hấp ký là cơ bản. Tuy nhiên, không thể xác định hội chứng hạn chế bằng hô hấp ký. Vì vậy, bệnh nhân cần đo thể tích phổi khi hô hấp ký bất thường. Đo khuếch tán màng phế nang mao mạch (DLCO) có thể hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân của các bệnh lý tắc nghẽn, hạn chế hay hỗn hợp. DLCO cũng cần thiết trong thăm dò chức năng hô hấp tiền phẫu.

Phân tích một số ca lâm sàng phế thân ký theo khuyến cáo của Hội lồng ngực Hoa Kỳ và Hội hô hấp Châu Âu (ATS/ERS-2022)

Ths.BS Vũ Trần Thiên Quân cho biết, nên sử dụng phương trình tham chiếu của Sáng kiến Chức năng hô hấp toàn cầu (Global Lung Function Initiative-GLI) cho hô hấp ký, khả năng khuếch tán và thể tích phổi. Để xác định tình trạng bất thường phải sử dụng Z-Score. Đó là khuyến cáo của Hội lồng ngực Hoa Kỳ (American Thoracic Society-ATS) và Hội Hô hấp Châu Âu (European Respiratory Society-ERS).

 

Ths.BS Vũ Trần Thiên Quân trình bày tại lớp học

Kỹ thuật đo phế thân ký

BS Trần Quốc Tài khuyến cáo người bệnh cần được tuân thủ các điều kiện về: hút thuốc, uống rượu bia, vận động mạnh, ăn uống trước khi đo và vấn đề về ăn mặc. Kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc bệnh lý nhiễm trùng, lọc khuẩn sử dụng 1 lần mỗi bệnh nhân là những điều kiện bắt buộc.

BS Trần Quốc Tài chia sẻ tại lớp học

 

Buổi chiều, lớp học được nghe chủ đề “Đo nồng độ Nitric Oxide trong khí thở ra (FeNO)” với hai chuyên đề “Giới thiệu phương pháp đo Nitric Oxide trong khí thở ra (FeNO) và các khuyến cáo thực hành lâm sàng” của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan và “phân tích ca FeNO phối hợp với hô hấp ký trong chẩn đoán hen” của BS Trần Quốc Tài.

Giới thiệu về chuyên đề, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết, đo FeNO là một phương pháp định lượng, không xâm lấn, đơn giản và an toàn. Đây là cách đo lường tình trạng viêm của đường dẫn khí, cung cấp thông tin bổ sung vào các phương pháp khác để đánh giá bệnh lý đường dẫn khí, kể cả hen suyễn. Phương pháp đo đã được chuẩn hóa.

Kết luận chuyên đề, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan nhấn mạnh vai trò của FeNO trong việc hỗ trợ điều trị hen nhưng chưa được công nhận để chẩn đoán hen.

Một học viên tình nguyện đo FeNO    

Lớp học được nghe bác sĩ Trần Quốc Tài trình bày chi tiết về kỹ thuật đo và các ca lâm sàng áp dụng FeNO.

 Sau các chuyên đề trên, lớp học bắt đầu vào phần thảo luận và tổng kết. Các bác sĩ tham dự và làm kiểm tra đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp CME. Lớp học có 20 bác sĩ tham dự và được Công ty NewTech tài trợ.

 

Tin và ảnh: Trần Thanh Lộc