Hải sản – nguyên nhân dị ứng thức ăn hàng đầu tại Việt Nam
Dị ứng hải sản là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch, khởi phát khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên của hải sản, sau khi ăn hoặc/và khi tiếp xúc. Dị ứng hải sản rất phổ biến tại các nước châu Á so với phương Tây, đặc biệt tại Việt Nam [1]. Tại Việt Nam, hải sản là nguyên nhân phổ biến nhất liên quan đến dị ứng thức ăn ở trẻ em và người lớn, với tỉ lệ 2.6% [2][3].
Để chẩn đoán dị ứng hải sản, cần dựa vào bệnh sử lâm sàng có triệu chứng phù hợp, xét nghiệm dị ứng. Triệu chứng của dị ứng hải sản có thể biểu hiện nhẹ như mày đay, ngứa quanh miệng hay nặng hơn như sốc phản vệ, có thể gây ảnh hưởng tính mạng.
Công cụ chẩn đoán dị ứng thức ăn bao gồm: test lẩy da, xét nghiệm tìm IgE huyết thanh đặc hiệu cho dị nguyên/ dị nguyên phân tử, test thử thách thức ăn phù hợp bệnh cảnh lâm sàng.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán và quản lý dị ứng hải sản tại Việt Nam còn khó khăn do
- Thiếu dị nguyên phù hợp nguồn hải sản địa phương: các dị nguyên thương mại cho test da, xét nghiệm IgE,.. chưa đặc hiệu và bao phủ hết tất cả các loại hải sản thường gặp ở Việt Nam, vốn dĩ rất phong phú. Do đó, đôi khi bác sĩ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán xác định dị ứng hải sản, đồng thời khó định danh loại hải sản mà người bệnh có thể bị dị ứng.
- Nhầm lẫn với dị ứng khi tiêu thụ hải sản bảo quản không đúng cách: một người có thể có triệu chứng tương tự dị ứng khi ăn hải sản, nhưng thực ra là do ngộ độc histamine trong cá do đông lạnh không thích hợp, khiến cho vi khuẩn trong thịt cá phát triển mạnh [4]. Khi tiêu thụ thịt cá, vi khuẩn sẽ chuyển histidine thành histamine, gây triệu chứng tương tự phản ứng dị ứng ngay cả ở một người không dị ứng với hải sản [4].
- Ký sinh trùng kí sinh trên cá: Anisakis là một loại giun tròn ký sinh ở cá, các loài giáp xác (tôm, cua,..) và động vật thân mềm (ốc,..) [5]. Anisakis sống kí sinh trên cá có khả năng lây nhiễm cho người khi tiêu thụ, gây ra tình trạng bệnh anisakiasis, bao gồm đau bụng nhẹ đến dữ dội, buồn nôn, nôn mửa và/hoặc tiêu chảy trong vòng 48h, có thể kèm theo phản ứng dị ứng, như mày đay (phát ban), phù mạch, co thắt phế quản, và thậm chí sốc phản vệ [5]. Tuy nhiên hiện tại ở Việt Nam chưa có xét nghiệm tìm IgE đặc hiệu cho Anisakis.
Hướng đi mới
Để vượt qua những khó khăn trên, cần có những nghiên cứu đào sâu về dị ứng hải sản ở người Việt Nam, và phát triển xét nghiệm tìm kháng thể IgE với dị nguyên phân tử hải sản nhằm nâng cao khả năng chẩn đoán. Mỗi loại thức ăn bao gồm 2 nhóm dị nguyên phân tử chính và phụ, và có thể thay đổi tùy theo từng cá thể. Bên cạnh một số dị nguyên chính đã được dùng để chẩn đoán như tropomyosin (ở các loài tôm cua), parvalbumin (ở cá,..), các dị nguyên phân tử mới như hemocyanin, aldolaseA, enolase, sarcoplasmic calcium binding protein,..đang cho thấy nhiều giá trị trong chẩn đoán dị ứng hải sản.
Với mục tiêu nêu trên, trong giai đoạn đầu chúng tôi tiến hành khảo sát phổ dị nguyên hải sản thường gây dị ứng tại TP.Hồ Chí Minh, nhằm hiểu rõ hơn về loại hải sản và đặc điểm dị ứng hải sản ở đối tượng người cư trú tại TPHCM Việt Nam.
Tuyển người tham gia nghiên cứu về dị ứng hải sản tại TP. Hồ Chí Minh
Đề tài được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ Module Dự Án Học thuật, Đại học Y Dược TPHCM, và được sự hỗ trợ của Liên Chi Hội Hen, Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TPHCM. Thành viên nhóm nghiên cứu bao gồm: TS. BS Trịnh Hoàng Kim Tú – (Đại học Y Dược TPHCM), ThS Dương Ngọc Lan Chi (Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ), cùng nhóm sinh viên Y đa khoa tổ 34, Y2017.
Đối tượng tham gia nghiên cứu là những người trưởng thành (đủ 18 tuổi trở lên), có hoặc nghi ngờ dị ứng hải sản và đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh (thường trú hoặc tạm trú trên 1 tuần). Người tham gia sẽ truy cập vào link khảo sát online ở dưới bài viết hoặc scan mã QR code trong hình. Sau khi đọc kĩ và đồng thuận bản chấp thuận tham gia nghiên cứu, người làm khảo sát sẽ được mời trả lời một số thông tin về dịch tễ, các thông tin về tình trạng dị ứng, loại hải sản gây bệnh, triệu chứng và điều trị. Thời gian hoàn thành phỏng vấn trong 5 phút và hoàn toàn ẩn danh.
Kết quả của nghiên cứu sẽ cung cấp nền tảng cho việc hiểu biết về đặc trưng dị ứng hải sản ở người Việt Nam, và chiến lược phát triển các xét nghiệm IgE đặc hiệu hơn về sau, hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị được tốt hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hajeb, P. and Selamat, J. (2012), "A contemporary review of seafood allergy", Clin Rev Allergy Immunol. 42(3), pp. 365-85.
[2] Nwaru, B. I., et al. (2014), "Prevalence of common food allergies in Europe: a systematic review and meta-analysis", Allergy. 69(8), pp. 992-1007.
[3] Ridolo, E., et al. (2016), "Scombroid syndrome: it seems to be fish allergy but... it isn't", Curr Opin Allergy Clin Immunol. 16(5), pp. 516-21.
[4] Charles Feng & Suzanne Teuber & M. Eric Gershwin; Histamine (Scombroid) Fish Poisoning: A Comprehensive Review; Clin Rev Allergy Immunol. 2016 Feb; 50(1):64-9.
[5] Nieuwenhuizen, N. E., & Lopata, A. L. (2013). Anisakis – A food-borne parasite that triggers allergic host defences. International Journal for Parasitology, 43(12-13), 1047–1057.
Tác giả:
SV. Nguyễn Viết Cường (1), SV. Trần Minh Nguyễn(1), SV. Phạm Hoàng Thanh Tú(1), TS.BS. Trịnh Hoàng Kim Tú(1,2)
(1) Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh
(2) Liên Chi Hội Hen, Dị ứng, Miễn dịch lâm sàng TPHCM