- Vì sao cần tầm soát phù mạch di truyền?
Phù mạch di truyền ảnh hưởng khoảng 50,000 người trên toàn cầu. Mặc dù là một bệnh di truyền hiếm gặp, bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời có nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhân trong đợt phù mạch cấp.
Đặc trưng nổi bật nhất của bệnh là những đợt phù da hoặc niêm mạc khu trú tái đi tái lại ở nhiều vùng cơ thể khác nhau (Hình 1). Đợt phù thường xảy ra đột ngột, có thể do các kích thích như căng thẳng, chấn thương hoặc thuốc. Nếu không được điều trị, phù sẽ tăng dần trong 12 đến 26 tiếng, sau đó tự thoái lui dần trong vòng 2 đến 5 ngày. Phù nhiều có thể ảnh hưởng đến thẫm mỹ, gây căng tức và đau tại chỗ (Hình 2). Tần suất các đợt phù cấp thay đổi tùy bệnh nhân. Trường hợp nặng có thể phù nhiều đợt trong 1 tuần, làm xáo trộn đời sống và sinh hoạt.
Hình 1: Các vị trị phù thường gặp trong phù mạch di truyền. Nguồn: Pinterest. Vị trí phù thường gặp nhất là ở mặt, tứ chi, ruột và bộ phận sinh dục.
Hình 2: Hình ảnh minh họa bệnh nhân lúc bình thường (bên trái) và trong đợt phù mạch cấp. Nguồn: Manning (2021)
Trường hợp phù niêm mạc ruột có thể gây đau bụng dữ dội và có thể chẩn đoán lầm với bệnh lý cấp cứu đường tiêu hóa, có thể khiến bệnh nhân bị phẫu thuật nhiều lần một cách không cần thiết. Nguy hiểm nhất là phù niêm mạc đường thở gây khó thở cấp và có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị đặc hiệu.
Đáng chú ý là mặc dù có biểu hiện tương tự, cơ chế bệnh sinh của phù mạch di truyền rất khác biệt so với các bệnh dị ứng. Bệnh đòi hỏi thuốc điều trị đặc hiệu và đáp ứng rất kém với các thuốc kháng dị ứng, kể cả adrenaline dùng trong phản vệ.
Vì các lý do trên, việc phát hiện bệnh sớm là rất cần thiết để bệnh nhân được điều trị đặc hiệu, tránh các can thiệp không cần thiết, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế tối đa các nguy cơ cho bệnh nhân.
- Các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán phù mạch di truyền
Đa số bệnh nhân phù mạch di truyền có bất thường trong gene điều khiển sự sản xuất phân tử C1-INH. Dựa vào C1-INH, phù mạch di truyền được phân loại thành 3 loại: giảm số lượng C1-INH (loại 1); giảm chất lượng C1-INH (loại 2) và bình thường về số lượng lẫn chất lượng C1-INH (loại 3).
Hình 3: Phù mạch di truyền (HAE) với 3 phân loại (type). Nguồn: Busse (2021). Đa số bệnh nhân thuộc nhóm có khiếm khuyết C1-INH (màu xanh), nhóm này gồm 2 loại là giảm số lượng C1-INH (loại I) chiếm khoảng 85% và giảm chức năng C1-INH (loại 2) chiếm khoảng 15%. Một số trường hợp rất hiếm còn lại có C1-INH bình thường (loại 3) (màu vàng). Nhóm này tập hợp trường hợp phù mạch di truyền gây ra do các gene khác ngoài C1-INH.
Khi có các biểu hiện phù hợp với phù mạch di truyền, người bệnh sẽ được chỉ định các xét nghiệm tầm soát.
Xét nghiệm thường được dùng đầu tiên là đo nồng độ C4 trong máu. Mặc dù không liên quan trực tiếp tới cơ chế gây bệnh, C4 được cho thấy là giảm trong đa số ca phù mạch di truyền. Do thông dụng và rẻ hơn C1-INH, đo nồng độ C4 máu thường được dùng như xét nghiệm tầm soát đầu tiên.
Các xét nghiệm tiếp theo gồm đo số lượng C1-INH và đo chức năng C1-INH trong máu. Các giá trị được coi là giảm khi nằm dưới 50% mức bình thường. Đây là dấu chỉ điểm trực tiếp giúp chẩn đoán phù mạch di truyền loại 1 (giảm số lượng) hoặc 2 (giảm chất lượng). Nếu triệu chứng điển hình phù hợp với kết quả xét nghiệm, có thể kết luận bệnh nhân mắc phù mạch di truyền loại 1 hoặc loại 2 mà không cần xét nghiệm gene.
Các khuyến cáo đều cho rằng nên xem xét đồng thời kết quả của C4, số lượng và chức năng C1-INH thay vì từng xét nghiệm riêng lẻ. Đồng thời các xét nghiệm cần được tiến hành ở phòng xét nghiệm đạt chuẩn và có thể cần lặp lại để đảm bảo chính xác chẩn đoán cho bệnh nhân. Trong trường hợp biểu hiện bệnh không điển hình, các xét nghiệm khác cần được tiến hành để loại trừ bệnh phù mạch mắc phải do nguyên nhân khác. Do đó, việc đọc và diễn giải kết quả xét nghiệm cần do chuyên gia y tế thực hiện.
Trong trường hợp C1-INH bình thường cả về số lượng lẫn chất lượng, nhưng bệnh cảnh lại rất phù hợp với phù mạch di truyền, bác sĩ có thể cần đến các xét nghiệm gene để tìm các gene gây bệnh trong phù mạch di truyền loại 3 (Hình 3). Tuy nhiên, các trường hợp này thường rất hiếm.
- Ai cần được tầm soát?
Các bệnh nhân có (1) tiền sử bị phù khu trú tái đi tái lại, có khi kèm theo đau bụng nhiều hoặc khó thở đáp ứng kém với điều trị thông thường bằng thuốc kháng dị ứng hay corticoid, (2) bắt đầu xuất hiện từ nhỏ hoặc tuổi dậy thì, hoặc (3) gia đình có người có bệnh tương tự hoặc được chẩn đoán phù mạch di truyền (lưu ý 25% người bệnh không có tiền sử gia đình), cần được tầm soát phù mạch di truyền.
Vì bản chất di truyền trội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, tất cả thành viên gia đình có quan hệ huyết thống với bệnh nhân phù mạch di truyền, bất kể thế hệ, đều được khuyến khích tầm soát càng sớm càng tốt.
Đối với trẻ em, hiện nay các khuyến cáo đều thống nhất không cần tầm soát trước sinh. Để tránh các sai lệch trong diễn giải kết quả xét nghiệm, nhìn chung nên tầm soát cho trẻ khi trẻ từ 1 tuổi trở lên.
- Nơi thực hiện tầm soát
Các bệnh nhân có cần thực hiện tầm soát phù mạch di truyền có thể đến các cơ sở sau để được tư vấn và tầm soát:
- Phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP HCM
- Đơn vị Hô Hấp và Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
20-22 Dương Quang Trung, phường 12, quận 10, TP.HCM
- Phòng khám CHAC1
110A Ngô Quyền, phường 8, quận 5, TP HCM
- Khoa Dị ứng, Miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E
89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
Tác giả: BS Lương Tuấn Trí - BS Vũ Trần Thiên Quân
Tài liệu này được hỗ trợ bởi Takeda
Tài liệu tham khảo
Manning, M. E. (2021). Recognition and management of hereditary angioedema: best practices for dermatologists. Dermatology and Therapy, 11(5), 1829-1838.
Busse, P. J., Christiansen, S. C., Riedl, M. A., Banerji, A., Bernstein, J. A., Castaldo, A. J., ... & Zuraw, B. L. (2021). US HAEA medical advisory board 2020 guidelines for the management of hereditary angioedema. The Journal of Allergy and Clinical Immunology: In Practice, 9(1), 132-150.
Maurer, M., Magerl, M., Betschel, S., Aberer, W., Ansotegui, I. J., Aygören-Pürsün, E., ... & Craig, T. (2022). The international WAO/EAACI guideline for the management of hereditary angioedema–The 2021 revision and update. World Allergy Organization Journal, 15(3), 100627.
Wahn, V., Aberer, W., Aygören‐Pürsün, E., Bork, K., Eberl, W., Faßhauer, M., ... & Weber‐Chrysochoou, C. (2020). Hereditary angioedema in children and adolescents–A consensus update on therapeutic strategies for German‐speaking countries. Pediatric allergy and immunology, 31(8), 974-989.