Bệnh nhân Vũ Thị T , giới nữ, sinh năm 1977 với than phiền chính là ho khạc đàm mủ kéo dài kèm khó thở. Chị được chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh giãn phế quản trên 30 năm. Bên dưới đây là hình ảnh CT ngực của bệnh nhân với tổn thương giãn phế quản hai bên phế trường. Giãn phế quản là một bệnh đường thở mạn tính với những đợt nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại, bệnh có thể tiến triển và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nhân ngày giãn phế quản thế giới, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẽ của chị Vũ Thị T về những khó khăn và thách thức hết sức chân thực khi phải sống chung với căn bệnh này.

Hình: Hình ảnh giãn phế quản trên CT ngực của bệnh nhân Vũ Thị T.

Xin chào các bạn!

Tôi được sinh ra và lớn lên ở thành phố Hải phòng. Tôi là một bệnh nhân giãn phế quản thuộc thế hệ 7X. Hồi nhỏ tôi hay ho và đàm nhiều, hai mũi thì lúc nào cũng chảy mũi xanh. Mẹ tôi đưa đi khám ở khắp các bệnh viện viện lớn nhỏ của Hải phòng, rồi bệnh viện phổi Trung ương ở Hà nội để chữa trị, qua rất nhiều năm tìm bệnh, làm đủ các xét nghiệm, chụp X quang phổi, chụp CT phổi… vì thời đó y học vẫn chưa phát triển nên phải đến năm tôi 14-15 tuổi thì bác sĩ lúc đó mới kết luận được là tôi bị giãn phế quản. Do vị trí giãn phế quản nằm rải rác 2 bên đáy phổi nên không thể phẫu thuật và vậy là mình phải sống chung với bệnh giãn phế quản. Huhu

Hồi còn đi học, ngồi trong lớp tôi rất hay bị ho, sụt sịt mũi, cứ trái gió trở trời là lại phải dùng thuốc kháng sinh, có những lúc bệnh nặng tôi phải nằm viện truyền kháng sinh, người nhỏ bé, gầy gò, lúc nào tôi cũng cảm giác mệt mỏi, không muốn làm gì. Mặc dù vậy nhưng tôi vẫn tự an ủi mình phải cố gắng, khó khăn thế nào mình cũng phải cố học và rồi tôi cũng đã học xong đại học.

Thật sự khó khăn khi tôi bước vào chốn công sở, nhưng cũng may tôi làm việc cho công ty nhỏ, các đồng nghiệp nhìn người tôi nhỏ bé, suốt ngày thấy ho, có một em còn hỏi tôi chị ho nhiều vậy chị có mệt không, có bị đau cơ bụng, đau ngực không. Tôi cũng phải giải thích với mọi người về bệnh tình của tôi, mong mọi người thông cảm và giúp đỡ. Lúc đó tôi lo lắng không biết tôi có hòa nhập được không, mọi người có thông cảm cho tôi không. Và cuối cùng bằng sự cố gắng của tôi, tôi đã hòa nhập được cùng với mọi người và được các anh chị em quý mến.

Tôi rất lo lắng khi tôi có dự định lập gia đình, liệu tôi về sống chung với gia đình nhà chồng sẽ như thế nào? Liệu chồng và gia đình nhà chồng có chấp nhận được con dâu đau ốm như tôi không? Và khó khăn nhất là tôi ho rất nhiều vào ban đêm và rạng sáng. Tâm trạng tôi lúc đó rối bời nhưng vì mẹ tôi, vì mọi người trong gia đình tôi khuyên rất nhiều. Và rồi tôi đã lập gia đình vào năm tôi 30 tuổi. Hồi mới về nhà chồng, cả chồng và gia đình chồng đều ngạc nhiên vì không nghĩ tôi lại ho nhiều vậy. Hàng đêm tôi phải dậy và vào nhà vệ sinh để ho và khạc đàm, tôi vừa ho vừa xả nước cho át đi tiếng ho của tôi cho mọi người bớt lo lắng. Lúc tôi sinh em bé, do cơ thể yếu nên 2 lần sinh tôi đều phải mổ. Ôi, lúc đó ho đúng là 1 cực hình đối với tôi, tôi ôm bụng ho, nhăn nhó mặt mũi vì đau vết mổ. Khó khăn khi tôi nuôi con nhỏ, tôi cứ ru bé thiu thiu ngủ thì tôi lại bị ho dồn ho dập làm con khóc thét tỉnh giấc… .Càng nhiều tuổi thì tôi thấy sức khỏe của tôi cũng yếu dần, bệnh càng nặng hơn, đi bệnh viện nhiều hơn nên mọi sinh hoạt cũng không bằng được như ngày còn trẻ. Tôi bước lên bậc cầu thang cũng mệt hơn, tôi không thể đi bộ được xa, không thể đi được đoạn đường dốc, tôi cũng không thể làm được việc nặng như xách đồ…Dù vậy nhưng tôi vẫn cố gắng làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ. Năm tháng cứ thế trôi đi, mọi người cũng quen dần, ngày càng thương và yêu quý tôi hơn.

Và rồi một đại dịch COVID-19 đã ập đến, tôi lo lắng nếu như tôi bị nhiễm thì sẽ không thể qua khỏi vì lúc đó tôi cũng đã lớn tuổi, bệnh cũng nặng hơn. Tôi cố gắng bảo vệ mình và gia đình, nhưng vào đầu năm 2022 tôi đã bị nhiễm bệnh khi đã được tiêm 1 mũi tiêm phòng COVID-19. Sau đợt COVID-19 đó mọi người ai cũng bảo tôi vẫn còn may  nhưng người tôi yếu hẳn đi, và cứ thế tôi đi bệnh viện liên lục, hết nằm viện, lại lấy thuốc về nhà uống, sau 1 năm mà tôi bị giảm 10 ký, tóc bạc đi nhiều, người già khọm đi, có thời điểm tôi chỉ ngồi thở không ra hơi nữa, đi không thở nổi, bước lên một bậc thang cũng mệt, mỗi ngày tôi chỉ xoay quanh việc uống thuốc, ho để đẩy đàm ra cho dễ thở vì đàm ngày càng nhiều hơn gây tắc nghẽn đường thở, người lúc đó chỉ còn da bọc xương. Tôi vẫn cố gắng ăn uống, thuốc thang, bồi bổ và rồi hiện tại tôi cũng hồi phục được đôi chút, sáng dậy tập thở, nắng lên tôi đi bộ chậm chậm, ngồi phơi nắng cho người ấm lên.

Theo các bạn cả cuộc đời sống chung với bệnh Giãn phế quản khó hay dễ? Còn tôi thấy rất khó khăn, thiệt thòi rất nhiều trong cuộc sống. Có lúc tôi nói với chồng tôi là: “Điều ước của em ngày một ngắn đi”. Có lúc tôi ước khỏe hơn chút để được đi du lịch nơi này, nơi khác. Có lúc tôi ước khỏe hơn để có thể cùng gia đình nhỏ của tôi đi uống cafe với nhau hay đi chơi cuối tuần. Có những lúc ốm yếu tôi chỉ còn biết ước cứ ngày nào uống thuốc cũng được nhưng còn được ở cùng với gia đình là tốt rồi. Và mong ước lớn nhất của tôi có thể sống cùng gia đình thêm vài năm nữa cho con cái tôi lớn hơn chút để các con đỡ thiệt thòi.

Trên đây là đôi dòng tâm sự của bản thân tôi đã trải qua khi sống chung với căn bệnh này. Xin cảm ơn tất cả mọi người đã đọc bài viết về những chia sẻ này của tôi.