Hiện nay, tỉ lệ bệnh dị ứng có xu hướng ngày càng tăng với các loại bệnh rất thường gặp như: Hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa (chàm)…Yếu tố kích phát lên tình trạng dị ứng được gọi là dị nguyên. Có rất nhiều loại dị nguyên như: mạt bụi nhà, lông súc vật, nấm mốc, phấn hoa, thực phẩm, thuốc...Việc xác định nguyên nhân gây dị ứng là điều quan trọng trong điều trị bệnh dị ứng.
v Dị ứng mạt bụi nhà
Mạt bụi nhà là gì?
Mạt bụi nhà là loại côn trùng có 8 chân, thuộc họ nhện, kích thước rất nhỏ, khoảng 1/4mm, chính vì kích thước rất nhỏ này mà mắt thường ở người không thể nhìn thấy. Mạt bụi nhà có ở trong giường ngủ, nêm, chăn màn, chiếu, gối, thảm len, đồ vải, gấu bông, thú nhồi bông… Một chiếc nệm cũ có thể chứa đến 2 triệu con mạt nhà.
Mạt bụi nhà sống bằng cách ăn các lớp da chết bong vảy của người. Con cái đẻ khoảng 50 trứng trong khoảng 4 tuần. Mỗi trứng sẽ phát triển thành con mạt nhà trưởng thành trong 3-4 tuần sau đó. Đời sống của con mạt nhà kéo dài khoảng 10 tuần. Ở nhiệt độ 25-30 độ C và độ ẩm 75%-85%, sẽ thuận lợi nhất cho sự phát triển và sinh sản của chúng.
Trong các loài mạt nhà thì có 3 loại thường gây nhiều bệnh nhất trên thế giới là Dermotophagoides farinae, Dermatophagoides pteronyssinus và Blomia tropicalis.
Dị nguyên chính của mạt bụi nhà gây dị ứng cho con người chính là những hạt phân và các chất tiết của con mạt nhà. Một con mạt nhà có thể sản xuất 20 hạt phân mỗi ngày. Các hạt phân và chất tiết này rất nhẹ, có thể bay lơ lửng trong không khí, nên con người có thể dễ dàng tiếp xúc bằng cách hít phải qua đường hô hấp, từ đó gây khởi phát nên các triệu chứng của bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng…
Phòng tránh mạt bụi nhà như thế nào?
- Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ môi trường sống ở trong nhà, chủ yếu trong phòng ngủ, phòng khách nhằm giảm thiểu tác động của mạt bụi nhà:
- Lau dọn nhà cửa, phòng ốc thường xuyên bằng khăn ướt mỗi ngày.
- Hút bụi các vật dụng trong nhà như ghế nệm, ghế salon…ít nhất 2 lần/ 1 tuần (bằng máy hút bụi)
- Giặt giũ mùng, mền, chiếu, gối, võng…thường xuyên và phơi nắng.
- Phòng ngủ, phòng khách phải mở cửa thông thoáng, đảm bảo có ánh sáng mặt trời chiếu vào.
- Bọc nệm, gối bằng drap và áo gối bằng chất liệu chống bám bụi.
- Không sử dụng các loại gấu bông, thú nhồi bông.
- Có thể sử dụng thêm các máy lọc không khí gắn trong nhà.
- Có thể thực hiện phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu để cơ thể làm quen với mạt bụi nhà. Phương pháp này có thể bảo vệ cơ thể khỏi dị ứng với mạt bụi nhà trong thời gian dài (10-15 năm).
Dị ứng với gián
Gián có thể gây dị ứng cho con người?
- Gián là loại côn trùng được cho là gây hại cho con người vì chúng là loài trung gian mang nhiều mầm bệnh. Hiện nay, trên thế giới, có khoảng 4000 loài gián khác nhau với khoảng 30 loài có trong môi trường sống của chúng ta. Một số loại gián phổ biến có ở khắp mọi nơi trên thế giới có thể kể đến như là: gián Úc, gián Mỹ, gián Đông Phương, gián Đức, gián có băng vàng nâu v.v..Bên cạnh yếu tố gây hại truyền bệnh, 1 yếu tố khác mà chúng ta ít biết đến là gián cũng là tác nhân gây dị ứng thường gặp.
- Gián cái đẻ ra trứng, tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ, độ ẩm của môi trường mà trứng gián có thể nở sau 1 đến 3 tháng. Gián sống theo bầy đàn, hoạt động về đêm, thích sống ở nơi ẩm thấp, ban ngày ẩn náu trong các nới kín đáo, hốc kẹt, tủ, giường, nhà tắm, nhà bếp, cống rãnh thoát nước…Ở những nơi gián xuất hiện và di chuyển qua, thường sẽ để lại những chất tiết, phân của gián. Chính những thành phần này sẽ gây dị ứng cho con người khi tiếp xúc phải. Biểu hiện dị ứng với chất tiết, phân của gián bao gồm như: ho, khò khè, khó thở, xuất hiện cơn hen hay ngứa da, ngứa mắt, ngứa mũi…
Phòng tránh dị ứng gián bằng cách nào?
- Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, môi trường sống xung quanh là phương pháp hữu hiệu nhất:
- Lau chùi, dọn dẹp bằng khăn ướt nhà cửa, phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp…
- Nơi ở phải thông thoáng, tránh tình trạng ẩm thấp, nhiều hốc kẹt tạo điều kiện cho gián làm tổ và sinh sản.
- Dùng các phương pháp diệt gián bằng thuốc xịt.
Dị ứng lông súc vật và các chất tiết của chúng
Lông chó, lông mèo và các chất tiết của chúng có thể gây dị ứng?
Chó, mèo là những vật nuôi rất gần gũi với đời sống hằng ngày của con người. Chúng thường được nuôi nhốt và sinh sống ngay trong nhà cùng với chúng ta. Tuy nhiên, chính những vật nuôi đáng yêu này lại tiềm ẩn những yếu tố có thể gây dị ứng cho con người.
Nước bọt, lông và những vảy gàu nhỏ của chó, mèo rất bám dính. Chúng rơi ra và bám vào người, quần áo, thảm, ghế nệm, ghế salon và các vật dụng trong nhà. Ngoài ra, chúng cũng có thể lơ lửng trong không khí. Với những người có cơ địa mẫn cảm, khi các dị nguyên này tiếp xúc với cơ thể do hít phải hoặc thông qua niêm mạc mắt, mũi, sẽ gây ra các biểu hiện bệnh dị ứng.
Phòng tránh dị ứng như thế nào?
Có thể thực hiện một số cách sau đây:
- Nếu đã được chẩn đoán chính xác có dị ứng với súc vật thì việc phòng ngừa tốt là không nên nuôi súc vật để tránh tiếp xúc với chúng.
- Hút bụi, lau chùi nhà cửa, các vật dụng trong nhà thường xuyên.
- Tắm rửa thường xuyên cho súc vật (ít nhất 1 lần/1 tuần)
- Có thể thực hiện phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu để cơ thể làm quen với súc vật. Phương pháp này có thể bảo vệ cơ thể khỏi dị ứng với súc vật trong thời gian dài (10-15 năm).
Dị ứng với nấm mốc
Nấm mốc gây dị ứng như thế nào?
Nấm mốc, bào tử của nấm mốc có ở khắp nơi trong không khí, phổ biến ở những nơi ẩm ướt, nơi không được vệ sinh, lau dọn thường xuyên như: hốc kẹt, tầng hầm, phòng tắm, nhà vệ sinh… Ngoài trời, nấm mốc có thể sống trong đất, các thảm thực vật ẩm ướt. Chúng có thể tồn tại trong một thời gian dài. Những nấm mốc và bào tử của nấm có kích thước rất nhỏ, mắt thường không thể nhận biết được. Vì vậy, khi con người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với chúng, có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng của dị ứng.
Phòng tránh như thế nào?
- Lau dọn nhà cửa, phòng ốc thường xuyên mỗi ngày. Tránh có tình trạng ẩm ướt ở môi trường sống xung quanh
- Giặt giũ mùng, mền, chiếu, gối, võng.. thường xuyên và phơi nắng.
- Phòng ngủ, phòng khách phải mở cửa thông thoáng, đảm bảo có ánh sáng mặt trời chiếu vào.
Dị ứng phấn hoa
Các loại phấn hoa có thể gây dị ứng cho con người?
Phấn hoa có ở khắp mọi nơi, đặc biệt có nhiều ở các nước ôn đới. Phấn hoa thường xuất hiện theo mùa, nhất là vào mùa xuân. Ở nước ta, tuy là nước nhiệt đới, nhưng vẫn có sự hiện diện của nhiều loại phấn hoa.
Hạt phấn hoa rất nhỏ, mắt thường khó có thể nhìn thấy, bay lơ lửng trong không khí. Đặc biệt ở những vùng miền có trồng nhiều loại hoa cỏ, số lượng phấn hoa là rất lớn. Khi người có cơ địa mẫn cảm tiếp xúc với các hạt phấn hoa sẽ có thể khởi phát lên các triệu chứng dị ứng như ngứa mắt, ngứa mũi, ho, hắt hơi, sỗ mũi, chảy nước mũi, khò khè, khó thở v.v..
Phòng tránh dị ứng phấn hoa như thế nào
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời hoặc khi đi đến những vùng có trồng nhiều loại hoa cỏ (đi pinic, công viên…)
- Sống ở những nơi không khí trong lành, thông thoáng, không trồng nhiều loại hoa cỏ ở trong nhà.
- Nhà cửa phải thường xuyên lau chùi, dọn dẹp.
- Có thể thực hiện phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu để cơ thể làm quen với súc vật. Phương pháp này có thể bảo vệ cơ thể khỏi dị ứng với súc vật trong thời gian dài (10-15 năm).
Dị ứng thức ăn
Thế nào là dị ứng thức ăn?
Hiện nay, một số thống kê cho thấy bệnh nhân dị ứng thức ăn ngày càng gia tăng, tỷ lệ dị ứng ước tính dao động trong khoảng 8% ở trẻ em dưới 3 tuổi và khoảng 5% ở người lớn. Những món ăn hằng ngày của chúng ta, tưởng chừng như bình thường nhưng lại hoàn toàn có thể gây các tình trạng dị ứng với các biểu hiện khác nhau như: nhẹ thì ngứa da, nổi mẩn đỏ ở da, hoặc kích phát lên cơn hen với các triệu chứng khò khè, khó thở hoặc nặng nhất là tình trạng sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng.. Các thức ăn thường dễ gây dị ứng cho con người bao gồm: hải sản (tôm, cua, cá biển, sò ốc…), thịt bò, thịt gà, đậu phộng, đậu nành, bột mì…
Phòng tránh dị ứng thức ăn như thế nào?
- Những loại thức ăn nào đã từng gây ra phản ứng dị ứng cho chúng ta trước đó thì cần nên tránh.
- Trước khi sử dụng bất cứ loại thực phẩm nào cần kiểm tra nhãn mác, các thành phần có trong thức ăn để chắc chắn rằng chúng ta không đưa loại thức ăn dị ứng vào cơ thể của mình.
- Có thể thực hiện các test da, test kích thích để xác định chính xác loại thực phẩm gây dị ứng để phòng tránh
- Khi xảy ra tình trạng dị ứng thức ăn từ mức độ nhẹ đến nặng, có thể sử dụng thuốc chống dị ứng tại nhà (cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dị ứng tư vấn trước đó) hay đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
- Nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất.
BS Trần Thiên Tài
Phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM