I. Đôi nét về lịch sử phù mạch di truyền
Năm 1882, bác sĩ người Đức Henrich Irenaeus Quincke báo cáo về một nhóm bệnh nhân mắc một hội chứng chung đặc điểm: phù khu trú ở nhiều vùng khác nhau của cơ thể, xuất hiện một cách thoáng qua và thường không để lại hậu quả nào nếu không ảnh hưởng đến thanh quản. Xuất phát từ báo cáo này, căn bệnh này đôi khi được biết tới với tên gọi phù “Quincke”.
6 năm sau, bác sĩ William Osler báo cáo về trường hợp của một nữ bệnh nhân 24 tuổi bị phù ở mô mềm, không ngứa tự xuất hiện và tự thoái lui sau 1-4 ngày, có khi kèm theo đau bụng buồn nôn, nôn ói và tái đi tái lại. Điều thú vị là cô có 28 người họ hàng trải dài trong 5 thế hệ mắc triệu chứng tương tự. Các nghiên cứu tiếp theo tiếp tục khẳng định đặc điểm di truyền theo gia đình của cắn bệnh này. Từ đó, căn bệnh này chính thức có tên là “phù mạch di truyền”.
II. Cơ chế đằng sau phù mạch di truyền
Từ cuối thế kỷ XIX, giới khoa học đã đề xuất cơ chế phù là do mạch máu (giải thích cho tên gọi phù “mạch”). Thành mạch máu của cơ thể có các lỗ nhỏ li ti có tác dụng giúp trao đổi chất giữa dòng máu và mô xung quanh. Trong trường hợp phù mạch, mạch máu giãn ra làm các lỗ li ti này mở rộng quá mức, dẫn tới nước trong máu thấm quá nhiều vào các mô xung quanh, gây ra tình trạng phù.
Hình 1: Sơ đồ cơ chế phù trong phù mạch: trạng thái giãn mạch làm dịch thể (mũi tên xanh liền) từ mạch máu đổ ra các mô xung quanh (khoảng kẽ giữa các tế bào) nhiều hơn dòng dịch quay lại dòng máu (mũi tên xanh đứt quãng), gây ra ứ dịch và phù nề mô xung quanh.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu hơn vì sao tình trạng này xảy ra vẫn không được hé lộ cho đến thời đại của sinh học phân tử. Ngày nay, chúng ta biết rằng chìa khóa của bệnh lý này nằm ở men C1-INH. Men này vốn có tác dụng ức chế bradykinin (một chất gây giãn mạch). Chính sự sai hỏng trong DNA dẫn tới giảm số lượng hoặc chức năng của men này, làm tăng nguy cơ tích tụ Bradykinin gây phù mạch khi gặp yếu tố kích thích, và kết quả là gây ra đợt phù mạch.
Dựa vào C1-INH, phù mạch di truyền được chia thành 3 nhóm: (1) phù mạch di truyền với số lượng C1-INH giảm, chiếm khoảng 85%, (2) phù mạch di truyền với chức năng C1-INH giảm, chiếm khoảng 15%, (3) phù mạch di truyền với C1-INH bình thường, chiếm dưới 1%.
III. Biểu hiện của phù mạch di truyền
Phù mạch di truyền là một bệnh tương đối hiếm, gặp phản với tần suất 1/50 000 dân, không thay đổi theo dân tộc hay vùng địa lý.
Triệu chứng bệnh xuất hiện khi gặp các “yếu tố kích thích” như chấn thương, nhiễm trùng, mệt mỏi, nhổ răng, phẫu thuật hoặc căng thẳng. Bệnh nhân thường gặp các đợt phù không đối xứng, không ngứa, ấn không lõm. Phù xuất hiện ở mặt, tứ chi, cơ quan sinh dục, vùng bụng hoặc đường thở. Nếu tình trạng phù xảy ra ở niêm mạc ruột sẽ gây ra đau bụng, buồn nôn, nôn ói. Nếu phù nề đường hô hấp, có thể gây ra triệu chứng khó thở. Đợt phù mạch nặng dần trong 1 đến 2 ngày đầu, kéo dài rồi tự thoái lui trong một vài ngà tiếp theo.
Biểu hiện phù của bệnh đa dạng, ít đặc hiệu, ngoài ra khá hiếm gặp nên bệnh thường dễ chẩn đoán lầm dễ lầm lẫn với nhiều bệnh lý về da khác – nhất là dị ứng, mề đay. Để xác định bệnh, cần phải nghĩ tới bệnh và làm các xét nghiệm liên quan đến số lượng và chất lượng C1-INH.
Một số yếu tố như bệnh xuất hiện sớm từ thời đi học (6-20 tuổi), tiền sử phù ở nhiều vị trí khác nhau tự thoái lui tái đi tái lại, tiền sử gia đình nhiều người thân mắc bệnh tương tự, hoặc hồng ban dát (không gồ trên bề mặt da) không ngứa trước đợt phù có thể giúp gợi ý chẩn đoán.
Hình: Biểu hiện của phù mạch di truyền ở mặt (Loạt hình A: trái: bình thường, giữa: phù mắt, phải: phù môi) và tay (B: tay trái: bình thường, tay phải: phù mạch)
Dẫn lại từ Manning, Michael. (2021). Recognition and Management of Hereditary Angioedema: Best Practices for Dermatologists. Dermatology and Therapy. 11. 10.1007/s13555-021-00593-x.
Hình 2: Trước và sau phù mặt ở bệnh nhân phù mạch di truyền
Nguồn: US Hereditary Angioedema Association - www.haeimages.com
IV. Đây có phải là bệnh nguy hiểm?
Triệu chứng phù thường tự xuất hiện và thoái lui không để lại sẹo hay di chứng, nên phù mạch di truyền chủ yếu ảnh hưởng thẩm mỹ và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng đường tiêu hóa của bệnh lý này (đau bụng, buồn nôn, nôn ói,…) – có thể rất nghiêm trọng và gây lầm lẫn với bệnh lý đau bụng cấp cứu như đau ruột thừa và bệnh nhân có thể phải chịu phẫu thuật không cần thiết. Phù mạch di truyền có cơ chế bệnh sinh khác với dị ứng, do đó, các thuốc điều trị dị ứng thông thường kém hiệu quả với bệnh, gây hao tốn tiền bạc và công sức của bệnh nhân.
Tuy nhiên, phù mạch di truyền có thể gây nguy hiểm tới tính mạng khi phù mạch xảy ra ở thanh quản. Khi đó mô thanh quản phù nề chèn ép làm tắc nghẽn đường thở, gây khó thở nặng và ngạt thở một cách nhanh chóng. Mặc dù phù thanh quản gặp trong chưa tới 1% tổng số đợt bệnh, nhưng mọi bệnh nhân đều có nguy cơ gặp phải biến chứng này. Nghiên cứu cho thấy hơn một nửa bệnh nhân gặp phải phù thanh quản trong cả quãng đời của họ. Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán, tuân thủ các liệu pháp điều trị dự phòng để tránh đợt phù mạch nguy hiểm tới tính mạng.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3519267/
https://link.springer.com/article/10.1007/s12016-016-8553-8#citeas
https://allergy.org.au/images/docs/ASCIA_HP_Position_Paper_HAE_2022.pdf
Manning, Michael. (2021). Recognition and Management of Hereditary Angioedema: Best Practices for Dermatologists. Dermatology and Therapy. 11. 10.1007/s13555-021-00593-x. https://www.researchgate.net/publication/354221789_Recognition_and_Management_of_Hereditary_Angioedema_Best_Practices_for_Dermatologists/citation/download
Tài liệu này được hỗ trợ bởi công ty Takeda