Bệnh hen/suyễn không tước đoạt thiên chức làm mẹ của chị em. Phụ nữ bị hen/suyễn vẫn có thể có thai và sinh con một cách bình thường nếu  bệnh hen/suyễn của họ được kiểm soát tốt.

Hen/suyễn là bệnh viêm mạn tính của đường hô  hấp, hiện vẫn chưa thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được, nghĩa là người bệnh vẫn có thể chung sống với bệnh một cách "hòa bình" nếu được điều trị đúng mức.‬

Nguyên nhân gây ra hen/suyễn đến nay vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Có hai nhóm yếu tố góp phần dẫn đến hen/suyễn cho người bệnh bao gồm (1) các yếu tố liên quan đến bản thân người bệnh như gien, cơ địa dị ứng, béo phì và (2) các yếu tố bên ngoài như thay đổi thời tiết, ô nhiễm môi trường, khói thuốc lá, nhiễm siêu vi đường hô hấp, dị ứng (lông chó, mèo, phấn hoa, nấm mốc…)‬‬. Các triệu chứng của bệnh hen gồm ho, khò khè, nặng ngực và khó thở. Các triệu chứng này có tính chất thay đổi (khi có khi không, khi nặng khi nhẹ), thường xuất hiện khi gặp yếu tố kích phát (thời tiết thay đổi, hít phải dị nguyên trong đó có khói thuốc lá hay gắng sức) và xảy ra ban đêm nhiều hơn ban ngày (đặc biệt là lức trời gần sáng).‬
‬

Hình minh họa. Nguồn: Image courtesy of David Castillo Dominici. at FreeDigitalPhotos.net

Sau đây chúng tôi xin trả lời một số câu hỏi thường gặp khi người bệnh hen/suyễn có thai như sau.

  1. Có phải bệnh hen/suyễn sẽ nặng hơn khi mang thai?‬



Nhiều phụ nữ bị hen/suyễn lo sợ khi mang thai bệnh sẽ nặng hơn và gây khó khăn cho quá trình sinh nở cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Lo lắng này là đúng nhưng không phải tất cả mọi người đều như vậy. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khi người bị hen/suyễn mang thai thì có khoảng 1/3 số thai phụ này sẽ có mức độ bệnh như trước khi họ mang thai, 1/3 trường hợp khác có tình trạng bệnh nặng hơn và 1/3 còn lại sẽ may mắn có tình trạng bệnh nhẹ hơn. Những trường hợp bệnh nặng hơn thì thường nặng vào tháng thứ 6-7 của thai kỳ và sau đó nhẹ dần vào những tuần lễ cuối. Trong quá trình chuyển dạ, rất hiếm khi thai phụ lên cơn hen/suyễn do lúc đó cơ thể tiết ra một số hóc môn làm giãn đường thở nên quá trình sinh nở đa phần là an toàn kể cả sanh thường.



  1. Bệnh hen/suyễn có gây khó khăn cho quá trình mang thai không?

Câu trả lời là có! Đối với thai phụ, hen/suyễn có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật (còn gọi là tình trạng nhiễm độc thai nghén có thể nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ lẫn con), tăng huyết áp thai kỳ, xuất huyết âm đạo bất thường hay nhẹ hơn là làm tăng tình trạng nôn nghén. Đối với thai nhi, hen/suyễn có thể làm giảm oxy từ mẹ đến nuôi bào thai gây chậm phát triển bào thai, sinh non, sinh nhẹ ký hoặc làm tăng nguy cơ tử vong cho thai nhi.‬

‬‬‬‬

  1. Thuốc điều trị hen/suyễn nào là an toàn cho phụ nữ có thai?‬

‬

Hiện các loại thuốc điều trị hen/suyễn dạng hít (xịt vào họng) tương đối an toàn cho thai phụ. Các hướng dẫn điều trị hen/suyễn quốc tế đều khuyên điều trị bệnh hen/suyễn ở thai phụ gần giống như ở người bình thường, nghĩa là phải dùng các loại corticoid dạng hít hay một số loại thuốc xông hít khác tùy theo mức độ bệnh. Tuy nhiên, xét về mức độ an toàn của thuốc dùng trong thai kỳ thì loại thuốc hít nhóm budesonide được xem là an toàn hơn các loại thuốc khác.‬

Các thuốc dạng uống hay chích không được khuyên dùng để điều trị hen/suyễn lâu dài ở người bình thường thì cũng phải tránh sử dụng ở thai phụ (trừ những trường hợp đặc biệt phải có ý kiến bác sĩ chuyên khoa).‬

‬‬

  1. Thai phụ bị hen/suyễn vẫn có thai và sinh con bình thường?‬



Như đã trình bày ở trên, thai kỳ có thể làm nặng bệnh hen/suyễn nhưng cũng có thể giúp bệnh nhẹ hơn. Nếu không được lưu ý điều trị đúng mức thì bệnh hen/suyễn ở thai phụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn em bé.‬

Các thuốc điều trị hen/suyễn hiện nay (dạng hít) tương đối an toàn cho thai phụ nên việc kiểm soát hen/suyễn ở thai phụ tương đối dễ và hiệu quả kiểm soát bệnh cũng gần giống như ở người không mang thai. Vì vậy, phụ nữ bị hen/suyễn vẫn có thể mang thai và sinh con một cách bình thường nếu họ được kiểm soát hen/suyễn tốt.‬

Một số bà mẹ vì chưa hiểu rõ điều này nên rất sợ sử dụng thuốc hen/suyễn khi mang thai, việc làm này sẽ gây tăng nguy cơ đối với sức khỏe của cả mẹ lẫn con do không kiểm soát được những cơn hen/suyễn (càng không kiểm soát tốt được bệnh càng có nguy cơ bị cơn hen cấp tính nguy hiểm đến tính mạng).‬
Do lợi ích của việc điều trị hen/suyễn trong thai kỳ lớn hơn rất nhiều so với tác dụng phụ của thuốc nên các thai phụ bị hen/suyễn cần duy trì điều trị bệnh hen/suyễn của mình theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả mẹ tròn con vuông.‬



ThS. BS. Nguyễn Như Vinh‬‬‬‬‬‬