Đối với hầu hết mọi người, tiệc tùng là những sự kiện vui vẻ. Nhưng đối với phụ huynh của các trẻ em bị dị ứng thức ăn, hoặc ngay cả đối với người lớn bị dị ứng thức ăn, các hoạt động liên quan đến thức ăn có thể đem lại nhiều sự lo lắng. Đó là do việc tiếp xúc với thức ăn có chất gây dị ứng có khả năng gây ra một phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Dị ứng là kết quả của phản ứng bắt đầu trong hệ thống miễn dịch. Ví dụ, nếu bạn bị dị ứng với trứng, hệ thống miễn dịch của bạn xác định được một loại protein có trong trứng như là một chất gây dị ứng. Hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng bằng cách sản xuất các kháng thể được gọi là Immunoglobulin E (IgE). Những kháng thể này bám vào các tế bào trong da, phổi và đường tiêu hóa. Nếu bạn tiếp xúc với các chất gây dị ứng một lần nữa, các tế bào giải phóng các chất hóa học như histamin, gây các triệu chứng dị ứng thức ăn như ngứa, nổi mề đay, phù, tiêu chảy, thở khò khè và một phản ứng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Nếu không ngay lập tức tiêm epinephrine và chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, sốc phản vệ có thể gây tử vong.
Có sự khác biệt giữa dị ứng thức ăn và không dung nạp thức ăn. Dị ứng thức ăn liên quan đến hệ thống miễn dịch trong khi không dung nạp thức ăn, chẳng hạn như không dung nạp lactose, thì không liên quan đến hệ miễn dịch. Không dung nạp thức ăn thường liên quan đến đường tiêu hóa, gây ra triệu chứng khó chịu như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, nhưng không có nguy cơ sốc phản vệ.
Các chất gây dị ứng thức ăn thường gặp
Các chất gây dị ứng thức ăn phổ biến nhất là các protein trong sữa, trứng, đậu phộng, lúa mì, đậu nành, cá, động vật giáp xác và hạt dẻ. Trong một số nhóm thức ăn, đặc biệt là các loại hạt và hải sản, bị dị ứng với một thành viên của một họ thức ăn có thể dẫn đến việc dị ứng với các thành viên khác trong cùng một nhóm. Điều này được gọi là phản ứng chéo. Phản ứng chéo với các nhóm thức ăn khác ít gặp.
Hầu hết các chất gây dị ứng thức ăn có thể gây ra phản ứng dị ứng ngay cả sau khi chúng được nấu chín hoặc đã trải qua quá trình tiêu hóa trong ruột, mặc dù nghiên cứu cho thấy rằng hơn một nửa số trẻ em bị dị ứng sữa và trứng có thể dung nạp được sữa đun sôi và trứng đã chín trong các thực phẩm nướng. Một số chất gây dị ứng (thường là trái cây và rau) gây ra phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng với phấn hoa, nhưng chỉ khi ăn ở dạng thô. Các triệu chứng trong các trường hợp này thường giới hạn ở miệng và cổ họng.
Chẩn đoán dị ứng thức ăn
Một nhà dị ứng/ miễn dịch học, thường được gọi là nhà dị ứng học, được đào tạo đặc biệt và có chuyên môn để xác định các triệu chứng của bạn là do dị ứng thức ăn hoặc do những rối loạn liên quan đến thức ăn khác như hội chứng viêm đường ruột do protein (FPIES) hoặc viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EOE).
Chuyên gia dị ứng của bạn sẽ ghi nhận bệnh sử một cách toàn diện, khám thực thể một cách tổng quát. Bạn sẽ được hỏi về các loại thức ăn bạn ăn, tần số, mức độ nghiêm trọng và bản chất của các triệu chứng, khoảng thời gian giữa việc ăn một loại thức ăn và bất kỳ phản ứng nào nếu có.
Xét nghiệm dị ứng da có thể xác định các loại thức ăn, nếu có, gây các triệu chứng dị ứng. Trong thử nghiệm lẩy da, một lượng nhỏ chiết xuất từ các thức ăn được đặt trên lưng hoặc cánh tay. Nếu một vết sưng tấy hay đỏ xuất hiện trong vòng 20 phút cho thấy có thể có dị ứng. Hiếm có trường hợp thử nghiệm lẩy da âm tính nhưng có dị ứng thức ăn qua trung gian IgE.
Trong một số trường hợp, chẳng hạn như ở bệnh nhân mắc bệnh chàm nặng, xét nghiệm dị ứng da không thể thực hiện. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên xét nghiệm IgE máu. Kết quả dương tính giả có thể xảy ra với cả thử nghiệm da và xét nghiệm máu. Không nên xét nghiệm IgG máu vì chưa được chứng minh trong việc chẩn đoán dị ứng thức ăn. Test kích thích thức ăn có thể giúp chẩn đoán xác định và được thực hiện bằng cách ăn các thức ăn tại một cơ sở y tế để xác định tình trạng dị ứng. Test kích thích thức ăn không nên làm ở nhà.
Điều trị dị ứng thức ăn
Hiện nay chưa có cách chữa dị ứng thức ăn, nhưng có rất nhiều phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đang được thử nghiệm. Tránh các loại thức ăn gây dị ứng, giáo dục và chuẩn bị là chìa khóa để quản lý tình trạng dị ứng thức ăn.
Tiếp xúc với chất gây dị ứng thức ăn trong không khí thường không gây sốc phản vệ, nhưng có thể gây ra chảy nước mũi và ngứa mắt tương tự như phản ứng khi tiếp xúc với phấn hoa. Tuy nhiên, ăn ngay cả một lượng nhỏ thức ăn có thể gây ra một phản ứng đe dọa tính mạng. Đây là lý do tại sao nên đọc thành phần trên nhãn thức ăn và đặt câu hỏi về thức ăn chế biến là một phần thiết yếu của kế hoạch phòng tránh.
Những người bị dị ứng thức ăn nên luôn luôn mang theo ống tiêm epinephrine tự động để sử dụng trong trường hợp có phản ứng phản vệ. Các triệu chứng của sốc phản vệ có thể bao gồm khó thở, chóng mặt hoặc mất ý thức. Nếu bạn có bất kỳ các triệu chứng trên khi ăn uống, ngay lập tức sử dụng bơm tiêm epinephrine tự động và gọi cấp cứu. Đừng chờ đợi để xem xem các triệu chứng có cải thiện hay không.
Dị ứng thức ăn khi trẻ lớn lên
Hầu hết trẻ em khi lớn lên sẽ hết bị dị ứng với sữa bò, trứng, đậu nành và lúa mì, thậm chí khi có tiền sử dị ứng nặng. Tuy nhiên, dị ứng với các động vật giáp xác có xu hướng tồn tại qua tuổi trưởng thành. Lập lại các thử nghiệm dị ứng có thể giúp biết được tình trạng dị ứng thức ăn hồi nhỏ đã hết hay chưa.
Lời khuyên cho sức khỏe
-
Luôn luôn hỏi về các thành phần thức ăn khi ăn ở nhà hàng hoặc khi đang ăn thức ăn chế biến bởi gia đình hoặc bạn bè.
-
Cẩn thận đọc nhãn thức ăn. Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác yêu cầu những thức ăn thường gây dị ứng phải được liệt kê bằng những ngôn ngữ thông dụng (sữa, trứng, cá, sò ốc, hạt dẻ, lúa mì, đậu phộng và đậu nành).
-
Luôn mang bên mình và biết cách sử dụng bơm tiêm epinephrine tự động và thuốc kháng histamin để điều trị các phản ứng khẩn cấp. Hướng dẫn các thành viên gia đình và những người khác gần bạn làm thế nào để sử dụng epinephrine và cân nhắc việc đeo một chiếc vòng tay ID mô tả tình trạng dị ứng của bạn. Nếu phản ứng xảy ra, đã có người đưa bạn đến phòng cấp cứu, ngay cả khi các triệu chứng đã cải thiện.
Cảm thấy tốt hơn. Sống tốt hơn.
Một nhà dị ứng/ nhà miễn dịch học, thường được gọi là nhà dị ứng, là một bác sĩ nhi khoa hoặc nội khoa với ít nhất hai năm được đào tạo chuyên môn trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh dị ứng, hen suyễn, suy giảm miễn dịch và các bệnh về miễn dịch khác.
Đến gặp một chuyên gia dị ứng học, bạn có thể được chẩn đoán chính xác, lên kế hoạch điều trị, và được cung cấp các thông tin giáo dục để giúp bạn quản lý bệnh và cảm thấy tốt hơn.
BS Trần Đăng Khoa và Trần Thanh Lộc dịch
Hình ảnh minh họa: Image courtesy of rakratchada torsap at FreeDigitalPhotos.net