TS.BS. Phạm Lê Duy
Bộ môn Miễn dịch-Sinh Lý Bệnh, Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh
Thư ký khoa học, Hội Hen-Dị ứng & Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh
Uỷ viên BCH Hội thành viên trẻ, Tổ chức dị ứng Thế giới
Mùa mưa lại đến, và nỗi ám ảnh viêm mũi, viêm xoang ở những người cơ địa dị ứng lại trở về. Bài viết này xin chia sẻ một số thông tin để giúp kiểm soát các bệnh dị ứng hô hấp trong mùa mưa nóng.
1. Như chúng ta đã biết, khi người có cơ địa dị ứng hít phải các dị ứng nguyên lơ lửng trong không khí, hay trong chăn gối nệm, họ sẽ có các triệu chứng của bệnh. Nguyên nhân gây dị ứng trong mùa mưa nhiều nhất là nấm mốc, vì chúng phát triển rất tốt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Trong mùa mưa, độ ẩm có đôi lúc lên đến 90% và tất nhiên nấm mốc sẽ phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Một loại dị ứng nguyên nữa phát triển tốt trong mùa mưa ở Việt Nam là con mạt nhà. Chúng hấp thu nước qua da để sống, cho nên độ ẩm môi trường sống cao 70-80% là điều kiện rất tốt cho chúng phát triển.
Nấm Aspergillus
(Nguồn: http://www.clt.astate.edu/mhuss)
Nấm Alternaria
(Nguồn: https://www.dinafem.org/en/blog/how-eliminate-alternaria-your-cannabis-crops/)
Con mạt nhà
(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/House_dust_mite)
2. Vậy nơi nào có chứa các dị ứng nguyên này?
Nơi nào cũng là nơi nấm mốc có thể phát triển: trên tường, trong tủ, bàn ghế gỗ, chăn nệm,... và đặc biệt là máy điều hoà! Rất nhiều người than phiền khi sử dụng máy điều hoà, trẻ em trong nhà lại khò khè chảy mũi, người lớn lại nghẹt mũi ngứa mắt. Có 2 lý do chủ yếu: hơi lạnh gây kích thích đường thở, và các dị ứng nguyên (đặc biệt là nấm mốc) được thải xa khi máy đang hoạt động. Thói quen vệ sinh máy điều hoà là rất tốt, nhưng khoảng cách 3 tháng/lần là quá dài vì nấm mốc chỉ cần 1-2 ngày để mọc và chỉ sau 12 ngày chúng lại có thể phóng thích bào tử vào không khí và gây các triệu chứng dị ứng. Như vậy, việc vệ sinh máy điều hoà cần phải làm mỗi tuần trong điều kiện mưa ẩm. Nhưng như thế liệu có khả thi?
Mạt nhà luôn trú ẩn ở những nơi có thể tiếp xúc với mảnh biểu bì của cơ thể vì đó là nguồn dinh dưỡng của chúng. Ngoài ra, hơi ẩm tiết ra từ cơ thể cũng là nguồn nước sống còn của mạt nhà. Chúng thường trốn trong chăn, nệm, gối, chui ra vào ban đêm khi có người ngủ và trốn đi vào ban ngày khi không có nguồn thức ăn và nước.
3. Làm cách nào để giảm thiểu sự phát triển của hai loại dị ứng nguyên này? Câu thần chú là “giảm độ ẩm không khí"!
Độ ẩm không khí trong nhà của người có cơ địa dị ứng nên kiểm soát trong khoảng 50-60%. Trong điều kiện này, cả nấm mốc và mạt nhà đều giảm sinh trưởng rõ rệt. Để biết độ ẩm trong nhà, các bậc phụ huynh có thể mua một chiếc “Ẩm kế" có bán rất nhiều trên thị trường. Để giảm độ ẩm không khí, các gia đình nên trang bị một máy “hút ẩm" (dehumidifier) trong phòng ngủ hay phòng sinh hoạt chung. Mặc dù máy điều hoà có thể làm khô không khí, tuy nhiên, môi trường trong máy lại ẩm (do độ ẩm lắng đọng thành nước tại cửa ra máy điều hòa) và nấm mốc vẫn phát triển được bên trong bộ lọc, tạo nguồn dị ứng nguyên thải vào không khí. Máy hút ẩm lại không bị như thế, độ ẩm bị hoá thành nước chứa trong một bồn chứa rất dễ vệ sinh.
Một loại máy hút ẩm
Để giảm thiểu mạt nhà, chăn, ra, gối, bao gối... nên giặt bằng nước sôi và phơi nắng gắt. Việc này hơi bất tiện. Các gia đình có thể giặt bình thường rồi ủi (là) ở nhiệt độ cao thật kỹ, cũng giúp tiêu diệt mạt nhà. Tuy nhiên, mạt nhà và các “sản phẩm" của chúng như phân, xác của chúng vẫn còn trốn trong gối, nệm và lại sinh sôi phá triển trở lại khi có người sử dụng. Việc phơi nệm, gối ở nơi nắng gắt cũng giúp giảm số lượng mạt nhà. Hiện nay trên thị trường nước ngoài có bán các loại bao gối, ra giường chống mạt nhà với kích thước lỗ siêu nhỏ, mạt nhà không thể chui từ gối hay nệm ra ngoài nên không tiếp xúc với người sử dụng. Tuy nhiên, ở VN vẫn chưa rõ đã có các sản phẩm này chưa.
4. Ô nhiễm không khí là một trong các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến bệnh dị ứng mà ngày nay các nhà khoa học đang đổ xô nghiên cứu về nó. Các nghiên cứu gần đây cho thấy ô nhiễm môi trường làm gia tăng tính “dị ứng" của các dị ứng nguyên không khí, nghĩa là chúng sẽ gây dị ứng mạnh mẽ hơn trong môi trường ô nhiễm. Ngoài ra, các chất ô nhiễm trong không khí còn có khả năng kích thích và thậm chí là gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp, gây ra các phản ứng viêm tại đường hô hấp trên và dưới, do đó làm nặng thêm triệu chứng dị ứng. Việc rửa mũi thường xuyên mỗi ngày cho thấy hỗ trợ việc điều trị viêm mũi và viêm xoang. Phương pháp rửa mũi bằng nước muối sinh lý được nghĩ sẽ giúp loại bỏ bớt các chất ô nhiễm, các dị ứng nguyên bám trên niêm mạc mũi, và do đó có thể giúp giảm sự kích thích của các chất này lên đường hô hấp, giảm phản ứng viêm của đường hô hấp. Việc rửa mũi rất đơn giản và an toàn, có thể áp dụng cho cả người lớn và trẻ em. Chúng ta có thể xem rửa mũi như việc tắm rửa hàng ngày, giúp cơ thể sạch sẽ hơn, khỏe mạnh hơn.
Rửa mũi bằng nước muối đẳng trương có thể giúp loại bỏ các chất bẩn, dị ứng nguyên bám trên niêm mạc mũi
(Nguồn: https://www.compoundingcenter.com/sinus-irrigation-vs-sinus-nebulization-whats-the-difference/)
Một điều lưu ý nhỏ với các gia đình có người bị viêm mũi, viêm xoang, hay hen suyễn, là tránh sử dụng các chất gây mùi trong nhà (nước hoa, xịt phòng), và các loại nước giặt, xả vải có mùi mạnh vì đó là nguyên nhân kích thích đường thở gây các triệu chứng giống như hít phải dị ứng nguyên.
Trên đây là một vài chia sẻ hy vọng giúp ích cho các bạn bị viêm mũi viêm xoang trong mùa mưa này. Chúc mọi người có một mùa hè thật vui và khoẻ mạnh!
Tài liệu tham khảo:
1. Zhan X, Li C, Xu H, Xu P, Zhu H, Diao J, Li N, Zhao B. Air-conditioner filters enriching dust mites allergen. Int J Clin Exp. 2015;8(3):4539.
2. Dannemiller KC, Gent JF, Leaderer BP, Peccia J. Influence of housing characteristics on bacterial and fungal communities in homes of asthmatic children. Indoor Air. 2016 1;26(2):179-92.
3. Yang L, Liu G, Lin Z, Wang Y, He H, Liu T, Kamp DW. Pro‐inflammatory response and oxidative stress induced by specific components in ambient particulate matter in human bronchial epithelial cells. Environ Toxicol. 2016 Aug 1;31(8):923-36.
4. Millis PR, Davies RJ, Devalia JL. Airway epithelial cells, cytokines and pollutants. Am J Respir Crit Care Med. 1999 Nov;160(5 Pt 2):S38-43
5. Zarcone MC, Duistermaat E, van Schadewijk A, Jedynska A, Hiemstra PS, Kooter IM. Cellular response of mucociliary differentiated primary bronchial epithelial cells to diesel exhaust. Am J Physiol Lung Cell Mol Physiol. 2016 May 17;311(1):L111-23.
6. Tano L, Tano K. A daily nasal spray with saline prevents symptoms of rhinitis. Acta oto-laryngologica. 2004 Nov 1;124(9):1059-62.