(Bài viết được lược dịch từ bài blog được đăng trên website Junior Members Research and Clinical Blog, European Academy of Allergy and Clinical Immunology. Các khuyến cáo đã được thay đổi để phù hợp tình hình và chủ trương của Bộ Y tế Việt Nam. Nguồn: https://patients.eaaci.org/coronavirus-infection-and-asthma-what-do-we-know/)

Bắt đầu từ tháng 12 năm 2019, một chủng mới của coronavirus đã được phát hiện ở một số bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ban đầu loại virus này được gọi tên là 2019-nCoV, và sau này chính thức được đặt tên là SARS-CoV-2 (severe acute respiratory coronavirus 2). Bệnh viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus SARS-CoV-2 được gọi là COVID-19 (coronavirus disease 2019).

Kể từ lần đầu tiên chủng virus này được phát hiện, virus SARS-CoV-2 đang lan rộng khắp thế giới, với hơn 1,210,956 ca nhiễm (cập nhật vào ngày 6 tháng 4 năm 2020) ở khắp các nước tại Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc và Châu Phi. Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization, WHO) đã tuyên bố tình trạng nhiễm COVID-19 là đại dịch toàn cầu, và đang theo dõi chặt chẽ diễn tiến dịch. Để cung cấp tóm tắt tình trạng dịch hiện tại và ảnh hưởng của dịch đến bệnh nhân có bệnh dị ứng, chúng tôi đã tham khảo các báo cáo mới nhất được xuất bản.

 

Coronavirus là gì?

Coronavirus là virus RNA (virus có axít ribonucleic làm chất liệu di truyền) có vỏ bọc, được đặt tên là “corona” do lớp bao glycoprotein có hình dạng tương tự vương miệng. Các glycoprotein dạng spike này cho phép virus bám và đưa các vật chất di truyền vào trong tế bào chủ để gây nhiễm. SARS-CoV-2 tăng sinh rất hiệu quả ở đường hô hấp trên, làm tăng lượng tải virus. Các triệu chứng nhẹ gây ra bởi virus hiếm khi làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, mặc dù khi ấy những bệnh nhân bị nhiễm có thể đã sản xuất ra rất nhiều virus trong cơ thể, và đã có thể lây lan cho người khác. Dấu hiệu virus tăng sinh trong phổi có thể thấy ở phim chụp Xquang hoặc CT Scanncer. Trong máu, phản ứng miễn dịch gây ra bởi virus chủ yếu dẫn đến sự hình thành các kháng thể đặc hiệu.  

 

Virus đến từ đâu và cách lây lan như thế nào?

COVID-19 thuộc nhóm bệnh gây ra do các mầm bệnh từ động vật truyền sang người. Nguồn gốc chính xác của SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định rõ. SARS-CoV-2 có thể được truyền qua các giọt dịch tiết hô hấp, là các giọt nước bắn ra khi ho hoặc hắt xì hơi, và khi một người chạm vào các bề mặt có virus rồi chạm trực tiếp vào mắt, mũi, mà không rửa tay. Nghiên cứu cho thấy virus có thể tồn tại đến 3 giờ trong không khí, virus sống trên bề mặt nhựa và thép không gỉ (80 giờ) lâu hơn trên bề mặt làm từ đồng (24 giờ) hoặc bìa giấy (4 giờ). SARS-CoV-2 không truyền được từ mẹ sang con hoặc qua sữa mẹ.

 

COVID-19 được chẩn đoán như thế nào?

Nghi ngờ nhiễm COVID-19 khi có hai yếu tố quan trọng kết hợp với nhau:

1. Bất kỳ tiếp xúc với người đã được chẩn đoán xác định có nhiễm SARS-CoV-2, và/hoặc lịch sử di chuyển đến những nơi có nguy cơ hoặc các quốc gia đã có ca nhiễm được xác định.

2. Các triệu chứng thường xuất hiện khi nhiễm COVID-19, như:

 - Sốt

 - Triệu chứng hô hấp (chủ yếu ho khan, và khó thở)

Triệu chứng mệt mỏi và các triệu chứng hệ tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy cũng có thể gặp ở bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Chẩn đoán xác định được thiết lập ở bệnh nhân có triệu chứng khi tìm được bằng chứng virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm. Thông thường, mẫu phết họng được sử dụng, hoặc một số loại mẫu khác (ví dụ, mẫu đàm, dịch rửa phế quản,..) cũng có thể sử dụng để phát hiện virus. Kỹ thuật reverse transcriptase-polymerase chain reaction (RT-PCR) được sử dụng để phát hiện vật liệu di truyền của virus trong mẫu bệnh phẩm. Các xét nghiệm khác dựa vào nguyên lý tìm kháng thể đặc hiệu với virus không dùng để chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2.

 

Ảnh hưởng của COVID-19 lên cơ thể khi bệnh nhân bị nhiễm?

Thông thường, virus corona gây ra triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể phát triển các bệnh lý hô hấp nặng, suy thận, nhiễm khuẩn huyết, hoặc thâm chí tử vong. Những trường hợp có triệu chứng nặng thường có kèm tăng huyết áp, đái tháo đường.

 

COVID-19 có thể điều trị được không?

Mặc dù phương pháp điều trị đặc hiệu cho COVID-19 hiện vẫn chưa có, bác sĩ sẽ kiểm soát triệu chứng bằng thuốc, và các thiết bị hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, các biện pháp quản lý phòng ngừa lây nhiễm (Infection Prevention Control, IPC) tại nhà cho cả bệnh nhân bị nghi ngờ lây nhiễm và họ hàng/người chăm sóc cho bệnh nhân đang được thực hiện rộng rãi. Ví dụ, chế độ rửa tay và vệ sinh tay thường xuyên, duy trì khoảng cách (ít nhất 1 mét), sử dụng khẩu trang y khoa khi ở trong cùng 1 phòng với người bệnh, và duy trì không khí thông thoáng bằng cách mở của sổ.

 

Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ bản thân và người khác?

Trong khi chờ đợi vắc xin cho corona được sản xuất, mọi người có thể chủ động bảo vệ bản thân và người xung quanh bằng cách:

-  Để làm giảm tình trạng lây lan virus, thực hiện đúng chủ trương và các quy định hướng dẫn của Bộ Y tế, Thủ tướng chính phủ (ví dụ, hãy ở nhà, và hạn chế tiếp xúc xã hội hết sức có thể).

- Thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu chuẩn như che miệng bằng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay khi hắt hơi/ho

- Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài theo quy định

- Tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân có triệu chứng hô hấp

- Rửa tay thường xuyên.

- Tiếp tục sử dụng các dụng cụ hít và thuốc điều trị bệnh dị ứng theo đúng toa của bác sĩ

Cuối cùng, bên cạnh việc cập nhật thông tin, việc giữ tình thần bình tĩnh rất quan trọng. Tình trạng bùng phát dịch có thể rất đáng sợ và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Bên dưới là một số trang tin chính thống có thể cung cấp thông tin và hỗ trợ tinh thần trong thời điểm dịch.

- Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Bộ Y tế (tiếng Việt) [website about the acute respiratory diseases COVID-19 by Ministry of Health (Vietnamese)]: https://ncov.moh.gov.vn/

- Trang tin về dịch bệnh COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (tiếng Anh): https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019

- Trang tin về cách nâng cao sức khỏe tinh thần trong dịch COVID-19 (tiếng Anh): https://www.mentalhealth.org.uk/publications/looking-after-your-mental-health-during-coronavirus-outbreak

 

Bệnh hen suyễn ảnh hưởng gì đến bệnh nhân khi bị mắc COVID-19?

Nhiễm virus là yếu tố nguy cơ thường gặp làm nặng thêm tình trạng hen suyễn. Trong nghiên cứu của Yang và cộng sự, 40% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nguy kịch đã có bệnh mãn tính từ trước khi bị nhiễm virus. Một nghiên cứu khác trên 140 trường hợp nhiễm ở Vũ Hán (Trung Quốc) cho thấy không có bệnh nhân nào mắc bệnh dị ứng trong số các trường hợp nặng, tần suất bệnh nhân mắc COPD là 1.4% và 3.4% ở các trường hợp nặng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm nhiều dữ liệu trước khi có các báo cáo chính thức về các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng khi nhiễm COVID-19.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Yang X, Yu Y, Xu J, Shu H, Xia Ja, Liu H, et al. Clinical course and outcomes of critically ill patients with SARS-CoV-2 pneumonia in Wuhan, China: a single-centered, retrospective, observational study. Lancet Respir Med 2020.

2. Lu R, Zhao X, Li J, Niu P, Yang B, Wu H, et al. Genomic characterisation and epidemiology of 2019 novel coronavirus: implications for virus origins and receptor binding. Lancet 2020; 395: 565–74.

3. Phan LT, Nguyen TV, Luong QC, Nguyen TV, Nguyen HT, Le HQ, et al. Importation and Human-to-Human Transmission of a Novel Coronavirus in Vietnam. N Engl J Med. 2020.

4. World Health Organization. Coronavirus disease 2019 (COVID-19) Outbreak. Link: https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019

5. COVID-19 Resource Centre. The Lancet. Link: https://www.thelancet.com/coronavirus

6. Zhang JJ, Dong X, Cao YY, Yuan YD, Yang YB, Yan YQ, Akdis CA, Gao YD. Clinical characteristics of 140 patients infected by SARS-CoV-2 in Wuhan, China. Allergy. 2020 Feb 19. doi: 10.1111/all.14238. [Epub ahead of print]

7. Heyman DL, Shindo N. COVID-19: what is next for public health?February 22, 2020. Vol 395: 542-545.

8. Woelfel R, Corman VM, Guggemos W et al. Clinical presentation and virological assessment of hospitalized cases of coronavirus disease 2019 in a travel-associated transmission cluster. medRxiv 2020.03.05.20030502; doi: https://doi.org/10.1101/2020.03.05.20030502.

9. Xu Y, Li X, Zhu B et al. Characteristics of pediatric SARS-CoV-2 infection and potential evidence for persistent fecal viral shedding. Nat Med 2020. https://doi.org/10.1038/s41591-020-0817-4.

10. Van Doremalen N, Bushmaker T, Morris DH et al. Aerosol and surface stability of SARS-CoV-2 as compared with SARS-CoV-1. N Engl J Med 2020; doi: 10.1056/NEJMc2004973. [Epub ahead of print]

11.World Allergy Organization. Link: https://www.worldallergy.org/UserFiles/file/Allergic_patients_during_COVID-19.pdf. Accessed on 2020, April 7th.

 

Tác giả: 

TS. BS. Trịnh Hoàng Kim Tú (Trung tâm Y Sinh học phân tử, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam).
TS.BS. Paula Kauppi (Khoa Dị ứng, Trung tâm bệnh lý viêm, Bệnh viện Đại học Helsinki, Helsinki, Phần Lan).
TS. Juha Jantunen (Viện nghiên cứu Dị ứng và Môi trường, Imatra, Phần Lan).