Tóm tắt + Các bệnh không lây (Noncommunicable diseases - NCD) giết chết 41 triệu người mỗi năm, tương đương với 71% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. + Mỗi năm, 15 triệu người chết vì các bệnh không lây trong độ tuổi từ 30 đến 69; hơn 85% số ca tử vong "sớm" này xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. + Các bệnh tim mạch chiếm phần lớn số ca tử vong do các bệnh không lây (17,9 triệu người mỗi năm), tiếp theo là ung thư (9.0 triệu), bệnh hô hấp (3,9 triệu) và bệnh tiểu đường (1,6 triệu). + Cả 4 nhóm bệnh trên chiếm hơn 80% tổng số ca tử vong sớm do các bệnh không lây. + Hút thuốc lá, không hoạt động thể chất, lạm dụng rượu và chế độ ăn uống không lành mạnh đều làm tăng nguy cơ tử vong do các bệnh không lây. + Phát hiện, sàng lọc và điều trị các bệnh không lây, cũng như chăm sóc giảm nhẹ, là các thành phần chính của việc đối phó với các bệnh không lây. |
Các bệnh không lây, còn được gọi là các bệnh mạn tính, có xu hướng kéo dài và là kết quả của sự kết hợp của các yếu tố gen, sinh lý, môi trường và hành vi.
Các loại bệnh không lây chính như tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn) và bệnh tiểu đường.
Các bệnh không lây ảnh hưởng nặng nề hơn đến người ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi có hơn 3/4 số ca tử vong do các bệnh không lây toàn cầu xảy ra - 32 triệu.
Ai có nguy cơ mắc các bệnh này?
Các bệnh không lây ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi, mọi khu vực và mọi quốc gia. Chúng thường đi cùng với các nhóm người cao tuổi, nhưng bằng chứng cho thấy tất cả 15 triệu ca tử vong do các bệnh không lây xảy ra trong độ tuổi từ 30 đến 69. Trong số những tử vong "sớm" này, ước tính hơn 85% xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trẻ em, người lớn và người cao tuổi đều dễ mắc các yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh không lây, từ chế độ ăn uống không lành mạnh, không hoạt động thể chất, tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc lạm dụng rượu.
Các bệnh này được thúc đẩy bởi việc đô thị hóa nhanh chóng không có kế hoạch, lối sống không lành mạnh trên toàn cầu và việc già hóa dân số. Chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu hoạt động thể hiện ở những người tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu và béo phì. Chúng được gọi là các yếu tố nguy cơ chuyển hóa có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, là bệnh không lây hàng đầu gây tử vong sớm.
Yếu tố nguy cơ
Hành vi có thể thay đổi được
Các hành vi có thể thay đổi được, chẳng hạn như hút thuốc lá, không hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh và lạm dụng rượu, tất cả đều làm tăng nguy cơ các bệnh không lây.
+ Thuốc lá dẫn đến hơn 7,2 triệu ca tử vong mỗi năm (kể cả do các tác động của việc phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động) và được dự báo sẽ tăng rõ rệt trong những năm sắp tới.
+ 4,1 triệu ca tử vong hàng năm được cho là do ăn muối/natri quá nhiều.
+ Hơn một nửa trong số 3,3 triệu ca tử vong từ việc uống rượu là do các bệnh không lây, kể cả ung thư.
+ 1,6 triệu ca tử vong hàng năm có thể do hoạt động thể chất không đủ.
Yếu tố nguy cơ chuyển hoá
Các yếu tố nguy cơ chuyển hóa góp phần vào bốn thay đổi chuyển hóa then chốt, làm tăng nguy cơ các bệnh không lây:
+ Tăng huyết áp
+ Dư cân / béo phì
+ Tăng đường huyết (nồng độ glucose trong máu cao) và
+ Tăng lipid máu (nồng độ mỡ trong máu cao).
Tính theo việc gây ra tử vong, yếu tố nguy cơ chuyển hóa hàng đầu trên toàn cầu là tăng huyết áp (19% các tử vong toàn cầu), theo sau là dư cân, béo phì và tăng đường huyết.
Tác động kinh tế xã hội của các bệnh không lây là gì?
Các bệnh không lây đe dọa Lịch trình Phát triển Bền vững 2030 (2030 Agenda for Sustainable Development), bao gồm mục tiêu làm giảm tử vong sớm do bệnh không lây xuống một phần ba vào năm 2030.
Nghèo đói gắn liền với các bệnh không lây. Sự gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây được dự đoán sẽ cản trở các chiến lược giảm nghèo ở các nước thu nhập thấp, nhất là bằng cách tăng chi phí chăm sóc y tế. Những người dễ tổn thương và bất lợi về mặt xã hội bị bệnh nhiều hơn và chết sớm hơn những người có vị trí xã hội cao hơn, nhất là vì họ có nguy cơ cao hơn của việc phơi nhiễm với các sản phẩm độc hại, như thuốc lá, hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh và bị hạn chế tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Trong các nơi thiếu nguồn lực, chi phí chăm sóc y tế dành cho các bệnh không lây nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn lực của gia đình. Chi phí đắt đỏ của các bệnh không lây, kể cả điều trị kéo dài tốn kém, và mất đi những người lao động chính, hàng năm đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và kìm hãm sự phát triển.
Phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây
Một cách quan trọng để kiểm soát các bệnh không lây là tập trung vào việc làm giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến các bệnh này. Hiện có các giải pháp chi phí thấp cho chính phủ và các bên liên quan khác để giảm các yếu tố nguy cơ chung thay đổi được. Theo dõi tiến trình và xu hướng của các bệnh không lây và các nguy cơ của chúng là rất quan trọng để định hướng chính sách và các ưu tiên.
Để làm giảm tác động của các bệnh không lây đối với cá nhân và xã hội, cần có một phương pháp toàn diện, đòi hỏi tất cả các lĩnh vực, kể cả y tế, tài chính, vận tải, giáo dục, nông nghiệp, kế hoạch và các lĩnh vực khác, hợp tác để làm giảm các nguy cơ liên quan đến các bệnh không lây và thúc đẩy các can thiệp để phòng ngừa và kiểm soát chúng.
Việc đầu tư vào việc xử trí các bệnh không lây tốt hơn là thiết yếu. Xử trí các bệnh không lây bao gồm phát hiện, sàng lọc và điều trị các bệnh này; và giúp những người có nhu cầu được chăm sóc giảm nhẹ. Can thiệp vào các bệnh không lây thiết yếu có ảnh hưởng lớn có thể được cung cấp thông qua cách tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu để tăng cường việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bằng chứng cho thấy các can thiệp như vậy là những đầu tư kinh tế xuất sắc bởi vì nếu được cung cấp sớm cho bệnh nhân, họ có thể làm giảm nhu cầu điều trị tốn kém hơn.
Các quốc gia có bảo hiểm y tế không đầy đủ có lẽ không cung cấp được việc tiếp cận rộng rãi các can thiệp thiết yếu vào các bệnh không lây. Các can thiệp xử trí các bệnh không lây là cốt lõi để đạt được mục tiêu toàn cầu làm giảm 25% nguy cơ tử vong sớm do các bệnh không lây vào năm 2025 và Mục tiêu Phát triển Bền Vững (Sustainable Development Goals – SDG) làm giảm một phần ba số tử vong sớm do các bệnh không lây vào năm 2030.
Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/noncommunicable-diseases
Người dịch: Trần Thanh Lộc - Lê Thị Tuyết Lan