Vì sao người ta ngáy ?

1.    Hiện tượng ngáy có thể xảy ra khi thở bằng miệng. Khi hít vào bằng miệng, luồng không khí làm rung lưỡi gà và vòm khẩu mềm vốn nằm giữa thành họng và đáy lưỡi. Sự rung động này gây ra tiếng ngáy

·      Thở bằng miệng hay không tùy thuộc một phần vào tư thế ngủ. Nằm ngửa thì dễ thở bằng miệng hay là nằm nghiêng

·      Nếu mũi không thông, người ta cũng thở bằng miệng. Do đó, cảm cúm hay hút thuốc lá làm cho nghẹt mũi sẽ gây ngáy

2.    Bề rộng của đường dẫn khí vùng họng cũng là một yếu tố gây ngáy, khoảng này càng hẹp, càng dễ bị ngáy. Dưới đây là những yếu tố gây hẹp đường dẫn khí vùng họng:

·      Khi ngủ sâu cơ vùng họng không còn săn chắc như lúc thức mà dãn ra và làm cho đường dẫn khí bị hẹp lại

·      Tình trạng thiếu ngủ sẽ kéo dài giai đoạn ngủ sâu khi được ngủ bù, từ đó làm hẹp đường dẫn khí và gây ngáy.

·      Rượu thuốc an thần hay thuốc dãn cơ làm các cơ vùng họng dãn và đường dẫn khí vùng họng càng hẹp.

·      Béo phì cũng làm hẹp đường dẫn khí vì các mô chung quanh vùng họng bị phì đại.

Ngáy có phải là bệnh không?

Bản thân ngáy không hẳn là triệu chứng bệnh, nhưng có thể làm người chung quanh khó ngủ. Do đó, làm giảm ngáy sẽ có lợi cho nhiều người.

Làm sao để giảm ngáy

Có thể làm giảm ngáy bằng cách giảm cân và thay đổi một số thói quen:

·      Nếu cân nặng hơn mức cần có, nên giảm số cân dư càng nhiều càng tốt. Việc giảm cân dù chỉ vừa thôi cũng có thể làm hết ngáy.

·      Ngủ nghiêng một bên, có thể dùng gối chèn sau lưng. Có người may một túi ở sau lưng áo ngủ để chứa một trái banh tennis nhằm tránh nằm ngửa lúc ngủ.

·      Ngủ đều đặn

·      Chỉ uống ít rượu. Nếu dùng thuốc dãn cơ, thuốc an thần, hãy giảm liều.

·      Ngưng hút thuốc lá.

·      Giữ cho mũi không nghẹt.

·      Có thể dùng dụng cụ làm dãn mũi. Đó là băng dính có sợi dây thép dán lên sống mũi. Nhiều người dùng miếng dán này thấy rất tốt.

Nếu những biện pháp nêu trên không hữu hiệu, bác sĩ có thể dùng các biện pháp phức tạp hơn. Như dụng cụ giúp mở rộng đường dẫn khí vùng họng do các bác sĩ Răng Hàm Mặt làm. Hoặc phẩu thuật để thay đổi hình dạng, kích thước lưỡi gà, vòm khẩu mềm hay các mô chung quanh vùng họng. Tuy nhiên, phẩu thuật này chỉ làm hết ngáy khoảng 60% các trường hợp.

Trên đây là những cách xử lý cho dạng ngáy đơn thuần. Nếu một người ngủ ngáy lại kèm theo các triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi và các buổi sáng sớm, buồn ngủ hoặc ngủ gật lúc ban ngày, thì nên cảnh giác về tình trạng ngưng thở lúc ngủ.

Ngưng thở lúc ngủ là gì?

Đối với một số ít người ngáy có thể là dấu hiệu của tình trạng ngưng thở lúc ngủ. Bệnh nhân ngưng thở một giai đoạn ngắn trong khi ngủ do đường thở bị tắc nghẽn, sau đó thở dồn dập. người ngủ chung có thể nhận biết những lúc ngưng thở này. Giấc ngủ của bệnh nhân không liên tục, bệnh nhân dễ tỉnh thức, do đó, gây buồn ngủ lúc ban ngày. Bệnh nhân than phiền về tình trạng nhức đầu, mệt mỏi vào buổi sáng, năng suất làm việc giảm sút, buồn ngủ hoặc ngủ gật ban ngày. Đây là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Tính tình bệnh nhân bị thay đổi, cáu gắt, dễ gây gỗ.

Những bệnh nhân này còn có nguy cơ cao huyết áp, lên cơn đau tim và tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường do thiếu oxy máu mỗi khi ngưng thở. Tình trạng này kéo dài có thể khiến hồng cầu gia tăng, oxy máu giảm khí cacbonic bị ứ đọng gây suy hô hấp dù phổi vẫn bình thường.

Do đó, ngưng thở lúc ngủ là một dạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị nghiêm túc. Việc chẩn đoán xác định một người ngủ ngáy có bị ngưng thở lúc ngủ hay không và việc tìm nguyên nhân ngưng thở đang phát triển rất mạnh ở các nước. Bệnh viện Đại học Y Dược sẽ đầu tư một phòng nghiên cứu giấc ngủ với máy đa ký giấc ngủ hiện đại, có đến 24 kênh (điện não, điện cơ, điện mắt, điện tim, cử động hô hấp, …). Với phương tiện này, những rối loạn trong giấc ngủ, đặc biệt là ngưng thở lúc ngủ sẽ được phát hiện. Đồng thời với việc phát hiện, máy cũng sẽ giúp xác định áp lực cần thiết để khắc phục việc tắc nghẽn đường thở. Điều trị ngưng thở lúc ngủ sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân một cách rõ rệt bên cạnh việc phòng ngừa tai nạn, biến chứng tim mạch và suy hô hấp.                                      

PGS.TS.LÊ THỊ TUYẾT LAN