1. Đo điện tâm đồ gắng sức là gì?

Điện tâm đồ gắng sức là nghiệm pháp mà bạn sẽ được yêu cầu gắng sức nhằm đẩy quả tim làm việc đến mức tối đa có thể. Gắng sức có thể bằng cách chạy trên thảm lăn, đạp trên xe đạp lực kế. Khi gắng sức tối đa cơ tim cần nhiều máu cung cấp hơn nên nếu có hẹp động mạch vành tình trạng thiếu máu cơ tim sẽ biểu hiện ra và được phát hiện bằng các thay đổi trên điện tâm đồ.

  • Đo gắng sức tim mạch hô hấp là gì?

Đo gắng sức tim mạch hô hấp hay gọi tắt là CPET (Cardiopulmonary Exercise Testing) là một xét nghiệm đánh giá đồng thời hệ thống tim mạch và hô hấp trong suốt thời gian bạn vận động gắng sức. Đo gắng sức tim mạch hô hấp sẽ giúp phát hiện bạn có bệnh tim mạch hay hô hấp nào tiềm ẩn không khi mà bạn đã được làm các xét nghiệm đánh giá chức năng hô hấp, tim mạch khi nghỉ ngơi không phát hiện được. Sự kết hợp các dữ liệu kết quả về hô hấp, tim mạch và khí máu động mạch sẽ giúp bác sĩ của bạn có nhiều thông tin chẩn đoán và tiên lượng bệnh cho bạn nhất là khi bạn có đồng thời cả bệnh tim và phổi.

  • Điểm nào giống nhau giữa đo gắng sức hô hấp tim mạch và điện tâm đồ gắng sức?
  • Cả 2 nghiệm pháp đều cần bệnh nhân gắng sức tối đa bằng cách chạy trên thảm lăn, đạp trên xe đạp lực kế.
  • Cả 2 nghiệm pháp đều cho các dữ liệu về tim mạch như nhịp tim, huyết áp, thay đổi điện tâm đồ trong quá trình gắng sức.
  • Đo gắng sức hô hấp tim mạch có những điểm gì ưu việt hơn so với điện tâm đồ gắng sức?

Điện tâm đồ gắng sức chỉ có thiết bị theo dõi về tim mạch, trong khi đo gắng sức hô hấp tim mạch có thiết bị theo dõi vừa tim mạch vừa hô hấp nên có những ứng dụng vượt trội hơn như sau:

  • CPET giúp phát hiện bệnh lý hô hấp đi kèm:

Nhờ có thiết bị theo dõi khí thở trong quá trình gắng sức nên CPET giúp phát hiện được bất thường về hô hấp như co thắt phế quản do gắng sức

Ngoài ra CPET còn cho thấy chiến lược thở của bệnh nhân khi gắng sức, tức là cách huy động thông khí khi gắng sức. Đặc biệt có ích ở bệnh nhân than khó thở mà tất cả các chỉ số hô hấp, tim mạch khác bình thường.

  • CPET giúp phát hiện sớm hơn bệnh lý mạch vành:

Điện tâm đồ gắng sức phát hiện bệnh lý mạch vành thông qua biến đổi trên điện tâm đồ. Tuy nhiên trước khi điện tâm đồ thay đổi, sự thiếu máu cơ tim đã biểu hiện thông qua sự thay đổi lượng oxy tiêu thụ, và thay đổi các trị số đánh giá gián tiếp lượng máu tim co bóp. Những dấu hiệu sớm này CPET có thể phát hiện được và điện tâm đồ gắng sức không phát hiện được. Chính vì thế một vài nghiên cứu đưa ra độ nhạy và độ đặc hiệu của CPET trong phát hiện bệnh lý mạch vành cao hơn so với điện tâm đồ gắng sức

  • CPET giúp xác định mức độ tập luyện an toàn cho người luyện tập thể thao

Thông qua các dữ liệu CPET cung cấp như lượng tiêu thụ oxy, huyết áp tối đa, nhịp tim tối đa, ngưỡng chuyển hóa yếm khí mà từ đó giúp sàng lọc nguy cơ, phân loại thể chất và xây dựng chương trình tập luyên. Đồng thời cung cấp dữ liệu để lượng giá hiệu quả tập luyện. Từ đó tránh các tai biến nguy hiểm xảy ra trong quá trình tập luyện và thi đấu. Điện tâm đồ gắng sức không cung cấp đủ các thông tin để giúp việc tâp luyện này

  • CPET giúp thiết lập chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân tim mạch và hô hấp.

Tương tự như các dữ liệu cho người luyện tập thể thao, CPET giúp cung cấp dữ liệu cho việc tập luyên phục hồi chức năng cho các bệnh nhân sau can thiệp mạch vành, bệnh nhân suy tim, bệnh nhân có bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sau phẫu thuật ung thư phồi,…Tùy theo tình trạng bệnh lý và tùy thể trạng mà mỗi bệnh nhân sẽ có chương trình phục hồi chức năng hợp nên đo CPET là điều rất cần thiết.

  • CPET giúp lượng giá nguy cơ trước khi phẩu thuật ngực, bụng

Nhờ các dữ liệu về hô hấp và tim mạch, CPET lượng giá nguy cơ an toàn trong các phẫu thuật lớn vùng bụng và ngực, ví dụ như được phép phẩu thuật cắt bỏ bao nhiêu thể tích phổi ở bệnh nhân ung thư phổi,…