Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ
THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG PHỔI
Nếu bạn khó thở vì phổi, bạn có thể tự hỏi:
+ Tôi có thể tập thể dục thể thao không?
+ Làm thế nào để tôi cải thiện vóc dáng?
+ Tôi nên dùng loại thuốc nào?
+ Tôi có thể làm gì để cải thiện sức khỏe tổng quát?
Phục hồi chức năng phổi có thể giúp bạn trả lời các câu hỏi trên và các câu hỏi khác. Tham gia một chương trình phục hồi chức năng phổi sẽ giúp bạn giảm khó thở và tăng cường khả năng thể dục thể thao. Bạn có thể nghe nói rằng phục hồi chức năng phổi chỉ dành cho những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bây giờ chúng ta biết rằng những người mắc các bệnh phổi khác như tăng áp phổi, bệnh phổi mô kẽ, cũng có thể có ích cho người trước khi hoặc sau khi mổ ghép tạng và xơ nang phổi.
Phục hồi chức năng phổi là gì?
Phục hồi chức năng phổi là một chương trình giáo dục và thể dục thể thao giúp bạn xử trí bệnh hô hấp, tăng cường năng lượng và giảm khó thở. Phần giáo dục của chương trình dạy bạn kiểm soát hơi thở thay vì hơi thở kiểm soát bạn. Bạn sẽ học cách điều hòa nhịp thở bằng các hoạt động của mình, cách uống thuốc và cách nói chuyện với bác sĩ.
Các buổi tập thể dục thể thao được một nhân viên phục hồi chức năng phổi giám sát, người này chuẩn bị chương trình tập chỉ dành riêng cho bạn. Các bài tập bắt đầu ở mức độ mà bạn có thể xử trí được (có người bắt đầu tập khi ngồi và người khác tập trên thảm lăn). Thời gian tập luyện sẽ được tăng dần và mức độ khó thay đổi tùy theo khả năng của bạn. Khi cơ bắp của bạn khỏe hơn, bạn sẽ tập luyện lâu hơn, ít khó thở hơn và đỡ mệt hơn.
Chương trình phục hồi chức năng phổi tốn bao nhiêu thời gian?
Hầu hết các chương trình diễn ra từ hai đến ba lần một tuần và có thể kéo dài từ 4 đến 12 tuần hoặc lâu hơn. Do các nhân viên của chương trình liên tục theo dõi sự tiến bộ của bạn và tăng các bài tập của bạn khi bạn có thể, việc tham dự mỗi buổi là rất quan trọng.
Cách nào để biết chương trình phục hồi chức năng phổi có phù hợp với tôi hay không?
Bác sĩ sẽ xác định xem bạn có đủ điều kiện tập phục hồi chức năng phổi hay không bằng cách:
+ Đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại và các kết quả xét nghiệm chức năng phổi của bạn.
+ Thảo luận về mức độ hoạt động hiện tại của bạn và khả năng thực hiện những việc bạn muốn.
+ Xác định sự sẵn sàng và khả năng tham dự của bạn.
Các chương trình phục hồi chức năng phổi giới hạn số lượng người tham dự để bạn được giám sát chặt chẽ. Bạn sẽ được đánh giá trước khi bắt đầu chương trình để đảm bảo rằng bạn đủ sức khỏe để tham gia chương trình. Việc đánh giá này có thể được thực hiện tại nơi phục hồi chức năng hoặc tại phòng khám bởi một bác sĩ, điều dưỡng lành nghề hoặc trợ lý bác sĩ.
Khi chương trình bắt đầu, một nhóm nhân viên y tế (điều dưỡng, điều dưỡng hô hấp, nhân viên vật lý trị liệu, điều dưỡng nghề nghiệp, nhà tâm lý, nhân viên dinh dưỡng, nhà hoạt động xã hội, nhà tư vấn tâm linh) sẽ làm việc với bạn để giúp bạn kiểm soát hô hấp của mình.
Tôi sẽ học được gì qua chương trình phục hồi chức năng phổi này?
Phần giáo dục của chương trình diễn ra cả trong lớp học, một kèm một với giảng viên và trong mỗi buổi tập. Trong các buổi họp nhóm, bạn sẽ học các cách thở mới khi căng thẳng và trong lúc hoạt động. Bạn sẽ thực hiện các kỹ thuật thở mới này trong các buổi tập. Bạn sẽ học về các loại thuốc; về công dụng của thuốc và cách sử dụng ống hít có lợi nhất. Trong chương trình, bạn có thể được cung cấp một bản kế hoạch hành động, vạch ra những việc bạn nên làm khi bạn bị đợt kịch phát
Một số người có vấn đề về hô hấp cần sử dụng oxy. Trong lúc phục hồi chức năng phổi, bạn sẽ được thử nghiệm khi nghỉ ngơi và khi tập để xem liệu oxy có thể giúp ích cho bạn hay không. Bạn sẽ học lý do tại sao một số người khó thở sử dụng oxy và một số khác không cần oxy. Nếu bạn hút thuốc lá, chương trình sẽ giúp bạn cai thuốc lá hoặc hướng dẫn bạn đến một chương trình giúp bạn cai thuốc lá. Bạn cũng sẽ học cách thức và khi nào gọi cho bác sĩ, bao gồm những điểm chính cần chia sẻ và những câu cần hỏi. Cũng trong chương trình, bạn có thể gặp những người khác vốn cũng gặp vấn đề về hô hấp. Bạn sẽ có thời gian để chia sẻ những quan ngại và học hỏi từ những người khác đang sống chung với bệnh phổi.
Tôi sẽ làm gì trong các buổi tập?
Bạn có thể không nghĩ rằng mình có thể tập được khi chỉ cần đi trong phòng cũng khiến bạn khó thở. Tuy nhiên, có những bài tập tiêu chuẩn đã được chứng minh là có tác dụng tốt đối với người có vấn đề về hô hấp. Loại bài tập và thời gian tập của bạn sẽ tùy thuộc vào những gì bạn có thể thực hiện được hiện nay. Khi bạn khỏe hơn, các bài tập sẽ tăng lên. Các buổi tập bắt đầu với các bài tập làm nóng, sau đó là tập tay và tập chân. Thông thường bạn sẽ tập cả các bài tạo sức cơ và các bài tạo sức bền. Để tạo sức cơ, thường sử dụng tạ và thiết bị nâng. Đối với sức bền, các động tác có thể bao gồm đi bộ trên thảm lăn hoặc trên hành lang và/hoặc đạp xe tại chỗ. Thời gian tập tùy thuộc vào những gì bạn có thể xử trí. Sau khi tham gia phục hồi chức năng phổi, mọi người thường ngạc nhiên về mức độ họ tập được và mức độ giảm khó thở mà họ trải qua.
Làm thế nào tôi có thể tìm thấy một chương trình phục hồi chức năng phổi?
Hãy yêu cầu bác sĩ giới thiệu đến một chương trình tốt.
Điều gì xảy ra sau khi tôi hoàn thành một chương trình phục hồi chức năng phổi?
Điều rất quan trọng là bạn phải tiếp tục tập sau khi hoàn thành chương trình phục hồi chức năng, nếu không bạn sẽ mất tất cả những lợi ích mà bạn đã đạt được. Trước khi bạn “tốt nghiệp”, nhân viên phục hồi chức năng phổi sẽ thiết kế cho bạn một kế hoạch tập dài hạn. Nhiều chương trình đưa ra kế hoạch “duy trì” để bạn có thể tiếp tục tập với những người khác có vấn đề về hô hấp.
Nguồn
American Thoracic Society
www.thoracic.org/patients
www.livebetter.org
American Lung Association
http://www.lung.org/lung-disease/copd/living-with-copd/ pulmonary-rehabilitation.html or call Help Line at 1-800-586-4872
American Association of Cardiovascular and Pulmonary Rehabilitaition (AACVPR)
http://www.aacvpr.org/Resources/SearchableProgramDirectory/tabid/113/Default.aspx
https://www.aacvpr.org/Resources/Resources-forPatients/Pulmonary-Rehab-Patient-Resources
COPD Foundation (COPDF)
https://www.copdfoundation.org
Pulmonary Education & Research Foundation (PERF)
https://perf2ndwind.org
Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân
Nguồn: American Thoracic Society https://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/pulmonary-rehab.pdf