Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ
THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN
Khó thở
Khó thở có thể gây sợ hãi kinh hoàng. Khi bạn đang lúc hít thở khó khăn, hoặc cảm thấy không có đủ không khí, cảm giác đó như thế nào? Một số người sẽ nói tôi “không thở được” hay “hụt hơi”. Nếu bạn thấy khó thở, hãy nói với bác sĩ của bạn. Họ có thể giúp tìm ra tại sao bạn khó thở và nói chuyện với bạn về các điều trị hữu hiệu.
Điều gì khiến tôi cảm thấy khó thở?
Nhiều thứ có thể gây khó thở, bao gồm:
+ Bệnh phổi mạn tính
+ Một bệnh phổi đột ngột như nhiễm trùng, như viêm phổi hoặc COVID-19
+ Kịch phát bệnh phổi mạn tính do nhiễm trùng
+ Hít bụi, hóa chất hoặc các chất nguy hại khác trong không khí ngoài trời hoặc bên trong nhà bạn
+ Các bệnh tim như “cơn đau tim” hoặc suy tim
+ Ung thư phổi hoặc hóa trị các bệnh ung thư khác
+ Thiếu máu (số lượng hồng cầu trong máu thấp)
+ Thể hình kém (bị “sút người”)
Khó thở có thể xảy ra khi vận động, chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang. Đôi khi nó xuất hiện mà không hề có lý do gì. Nói cho bác sĩ về khó khăn hô hấp của bạn và nó ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào. Hãy chắc chắn kể ra:
+ Khi khó thở bắt đầu (ví dụ đột ngột hoặc hai ngày trước)
+ Điều gì (nếu có) làm cho bạn dễ thở hơn (ví dụ dùng ống hít albuterol) hoặc làm bệnh trở nặng (ví dụ tắm hoặc đi bộ trong phòng).
Tôi có thể làm gì để điều trị hoặc làm giảm khó thở?
Thường có những việc bạn có thể làm để hạn chế hoặc kiểm soát khó thở. Bước đầu tiên là hãy nghĩ ra điều gì gây khó thở. Làm việc với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất. Nhiều khi bạn sẽ phải thử nhiều cách điều trị khác nhau trước khi tìm ra phương pháp hữu hiệu.
Sau đây là một số điều có thể giúp bạn dễ thở.
1. Dùng các thuốc đã kê toa. Bạn có thể cần phải dùng một số loại thuốc hàng ngày, ngay cả khi hít thở tốt. Đây có thể là lý do chính khiến nhiều người khó thở.
2. Yêu cầu một nhân viên y tế chuyên về hô hấp trình bày cách sử dụng ống hít và/hoặc máy phun sương. Hỏi về việc sử dụng buồng hít kèm với ống hít để phổi nhận được nhiều thuốc nhất. Nói với bác sĩ về bất kỳ vấn đề nào bạn gặp phải khi dùng thuốc.
3. Oxy là một loại thuốc và có thể giúp người có nồng độ oxy thấp dễ thở hơn. Oxy không dành cho những người khó thở vì các bệnh trạng khác.
4. Học kỹ thuật thở. Có những cách thở đặc biệt, có ích khi bạn khó thở. Ví dụ, nếu bạn bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bạn có thể được dạy thở mím môi. Điều này sẽ giúp bạn thở hiệu quả hơn. Thở mím môi giúp nhắc nhở bạn thở chậm lại và thở ra lâu hơn hít vào.
5. Ngay cả khi bạn bị khó thở vì chỉ một hoạt động nhẹ, bạn vẫn có thể lấy lại sức cơ và sức chịu đựng một ít. Bạn có thể đã từ bỏ hoặc né tránh các hoạt động vì các khó khăn về phổi của bạn, nhưng nếu bạn không vận động, cơ của bạn sẽ còn yếu ớt hơn. “Sút người” thậm chí còn gây khó thở hơn. Hãy yêu cầu bác sĩ giới thiệu bạn một chương trình phục hồi chức năng phổi. Các chương trình này được thiết kế đặc biệt cho những người mắc bệnh phổi mạn tính. Các nhân viên lành nghề có thể giúp bạn vận động một cách an toàn bằng cách giám sát cẩn thận và bạn sẽ học được cách xử trí tốt hơn bệnh phổi mạn tính của bạn. Nếu không có chương trình phục hồi chức năng phổi trong vùng bạn ở hoặc bạn không thể đi đến, hãy yêu cầu bác sĩ giới thiệu đến một nhà trị liệu vật lý. Nhà vật lý trị liệu sẽ nói chuyện với bạn về hoạt động của bạn và quan sát cách bạn di chuyển. Sau đó, bạn sẽ nhận được một chương trình vận động phù hợp với nhu cầu và giới hạn của bạn. Điều quan trọng là vận động ở mức độ an toàn cho bạn.
6. Hãy điều chỉnh nhịp độ của chính bạn. Nếu bạn đang hoạt động hối hả, bạn cần chậm lại. Bạn có thể điều chỉnh nhịp độ của chính mình bằng cách đi bộ chậm hơn, thay vì vội vàng và ngừng lại. Bạn có thể chia hoạt động nặng thành nhiều phần nhỏ. Nếu bạn cảm thấy “mạnh khỏe nhất” và ít khó thở nhất vào buổi sáng, lúc đó hãy hoạt động nặng hơn.
7. Tìm xem cân nặng của bạn có phù hợp với bạn hay không. Nếu bạn thừa cân, bụng của bạn có thể chèn ép lên phổi. Nếu bạn thiếu cân, bạn có thể bị mất cơ. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp đỡ bằng cách đưa ra những đề nghị về thức ăn tốt nhất cho bạn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc ăn uống, hãy chuẩn bị các loại thức ăn dễ nhai. Nín thở trong khi nhai thức ăn có thể khiến bạn khó thở hơn.
8. Cố gắng không nín thở. Nín thở có thể trở thành thói quen lúc bạn đang nâng hoặc với tay lấy vật gì đó, hoặc thậm chí khi đứng khỏi ghế. Hít vào, sau đó thở ra khi bạn đang thực hiện phần khó nhất của một hoạt động như đẩy cửa ra hoặc cúi người xuống. Ngoài ra, cố gắng thở ra lâu hơn hít vào gấp hai lần, nhưng không bao giờ thở mạnh ép không khí ra ngoài. Sử dụng cách thở mím môi và để không khí “cuốn” ra khỏi phổi. Khi đi bộ, hãy cố gắng hít vào khi bạn đi bước đầu tiên và thở ra khi đi bước thứ hai và thứ ba. Điều này có thể khiến bạn đi chậm hơn, nhưng bạn có thể đi xa hơn mà không dừng lại 9. Hãy dùng quạt. Bạn có thể thấy rằng quạt thổi lên mặt sẽ khiến bạn giảm khó thở. Dùng quạt khi bạn cảm thấy khó thở hoặc “tù túng” cùng với việc thở mím môi có thể giúp ích.
10. Hỏi bác sĩ của bạn về các loại thuốc giúp giảm khó thở. Đôi khi một loại thuốc điều trị lo âu hoặc giảm đau có thể giúp giảm khó thở.
Hành động
Hãy hành động để giúp giảm khó thở. Hãy làm việc với bác sĩ để lập một kế hoạch có thể thực hiện tại nhà nếu bạn:
+ Khó thở không biến mất
+ Phát sinh đau ngực hoặc nặng ngực kèm theo hoặc không kèm theo khó thở
+ Không thấy giảm bớt sau khi sử dụng ống hít hoặc máy phun sương
+ Vẫn cảm thấy khó thở sau khi nghỉ ngơi
+ Sốt
+ Mệt hơn bình thường rất nhiều
+ Có thay đổi về số lượng, màu sắc hoặc độ đậm đặc của đàm
Ngoài ra, hãy nói chuyện với bác sĩ về những dấu hiệu nguy hiểm cần hành động ngay lập tức.
+ Nói líu lưỡi hoặc lẫn lộn
+ Khó thở nặng và/hoặc đau ngực nặng
+ Môi hoặc ngón tay tím tái
+ Ho ra máu
+ Không thể nói nhiều hơn hai từ mà không cần hít hơi
Nguồn
American Thoracic Society
• http://www.thoracic.org/patients/
- Oxygen Therapy
- Pulmonary Rehabilitation; When PR is Unavailable
- Sudden Breathlessness
• http://www.livebetter.org/
COPD Foundation
• http://www.copdfoundation.org
• Breathing techniques for COPD:
https://www.copdfoundation.org/Learn-More/I-am-a-PersonwithCOPD/Breathing-Exercises-for-COPD.aspx
• Avoiding COPD exacerbations (flare-ups) and working with your healthcare provider on a COPD action plan
https://www.copdfoundation.org/Learn-More/I-am-aPerson-with-COPD/Avoiding-COPD-Exacerbations.aspx
National Institutes of Health (NIH)
• http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003075.htm
National Health Service (United Kingdom
) http://www.nhs.uk/conditions/shortness-of-breath/Pages/Introduction.aspx
Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân
Nguồn: American Thoracic Society https://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/breathlessness.pdf