HỘI LỒNG NGỰC HOA KỲ

Thông tin dành cho bệnh nhân

CƠN KHÓ THỞ ĐỘT NGỘT

Cơn khó thở đột ngột xảy ra khi khó thở đến nhanh, nặng nề và không biến mất. Nó khiến bạn, gia đình bạn và người chăm sóc khác rất lo lắng.

Không phải ai bị hít thở khó khăn cũng đều trải qua các cơn khó thở đột ngột. Tuy nhiên, những người mắc các bệnh phổi, bệnh tim hoặc bệnh hệ thần kinh nặng và những người gần cuối đời nhiều khả năng gặp phải một cơn khó thở đột ngột.

Làm cách nào tôi, hoặc một người nào khác, biết được mình đang bị cơn khó thở đột ngột?

 Nhìn thấy bạn khó thở có thể khiến người chung quanh lo lắng. Nếu gia đình hoặc người chăm sóc bạn muốn giúp bạn, sau đây là một số đề nghị. Điều đầu tiên họ nên yêu cầu bạn là hãy nói cho họ biết bạn đang cảm thấy thế nào. Nếu bạn có thể nói, có lẽ bạn sẽ nói “khó thở chưa từng thấy... như tôi bị mắc nghẽn... rất khó thở... tôi không thể hít sâu... tôi cảm thấy kinh hoàng.” Nếu khó thở đến không nói được, hãy ra dấu cho gia đình hoặc người chăm sóc biết bạn cần được trợ giúp. Hãy qui định ra giữa bạn và người chăm sóc một kiểu ra hiệu bằng bàn tay khi bạn khó thở đến không nói được hoặc không viết được.

Nếu bạn có vấn đề về hô hấp, sẽ có lúc hít thở của bạn khó khăn hơn thường khi. Điều này không nhất thiết là cơn khó thở đột ngột. Thí dụ, khó thở của bạn giống như các lần trước, biến mất tự nhiên hoặc do bạn điều trị như thường khi. Cơn khó thở đột ngột lại không phải như vậy, rất nặng và không biến mất như thường khi. Những việc xảy ra có thể cho bạn biết đây là một loại khó thở khác là:
+ Nó không cải thiện với thuốc thường ngày hoặc với những việc khác bạn từng thực hiện để giảm bớt khó thở.
+ Nó có vẻ là một cơn hoặc là nặng hơn những lần khó thở trước đây.
+ Nó chỉ cải thiện khi nhóm chăm sóc thực hiện một kế hoạch đặc biệt.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bị khó thở đột ngột.

Một số tình trạng có thể gây ra khó thở, và bất kỳ một hoặc một sự kết hợp của chúng có thể dẫn đến cơn khó thở đột ngột. Thí dụ, khó thở rất thường gặp trong các bệnh phổi như COPD, khí phế thũng, hen suyễn, bệnh phổi mô kẽ, tăng huyết áp phổi và xơ nang phổi. Cơn khó thở có thể xảy ra khi bệnh phổi không được kiểm soát hoặc nặng. Bệnh tim, đặc biệt là suy tim, có thể gây ra cơn khó thở. Ung thư khởi phát từ phổi hoặc lan đến phổi, hoặc ung thư nặng có thể gây ra cơn khó thở. Bất kỳ bệnh cơ hoặc bệnh thần kinh nào ảnh hưởng đến việc hô hấp, thí dụ, bệnh Lou Gehrig (bệnh xơ cứng bên teo cơ – amyotrophic lateral sclerosis) có thể gây ra cơn khó thở.

Điều gì có thể làm cho khó thở đột ngột nặng hơn?

Khó thở đột ngột có thể trở nặng trong các tình huống sau đây:
+ Cơn kịch phát bệnh phổi hoặc bệnh tim mạn tính.
+ Các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến phổi như ô nhiễm không khí nặng hoặc phơi nhiễm khói củi trong những tháng lạnh có thể kích phát cơn khó thở.
+ Đi du lịch lên các vùng núi cao.
+ Phát sinh viêm phổi hoặc nhiễm trùng.
+ Sợ hãi, lo lắng và hoảng loạn.

Tâm trí không tách rời khỏi cơ thể khi bị khó thở mạn tính hoặc bị cơn cấp tính. Những cảm xúc, như cảm giác mất kiểm soát, sợ chết, hoặc lo lắng và hoảng loạn tăng cao, tất cả đều có thể kích phát một cơn khó thở cấp tính.

Có thể làm gì khi bị khó thở nặng?

Khó thở đột ngột có thể khiến cho mọi người liên quan sợ hãi. Một kế hoạch hoặc một “thánh lễ” có thể làm giảm sự sợ hãi và cảm giác hoảng loạn của bạn. Bạn càng tin tưởng rằng bạn có thể kiểm soát được cảm giác khó thở bao trùm và càng cảm thấy “trong vòng kiểm soát” thì càng ít khả năng có cảm giác sợ hãi và hoảng loạn trong những giai đoạn khó thở đột ngột. Bạn, gia đình hoặc người chăm sóc nên chuẩn bị trước cho tình huống này bằng cách xây dựng một kế hoạch từng bước để đối phó với khó thở đột ngột. Thời điểm tốt nhất để học và thực hiện các phương pháp vạch ra trong kế hoạch là lúc bạn không khó thở.

Có một số việc mà mọi người thấy hữu ích khi họ đang trong cơn khó thở. Các phương pháp trong quá khứ đã giúp giảm khó thở nên được sử dụng đầu tiên. Những điều bạn có thể xem xét là:
+ Hãy thử các phương pháp đã từng hiệu quả trước đây, như là điều trị bằng ống hít hoặc máy phun sương đặc biệt.
+ Thay đổi tư thế. Tìm một tư thế giúp dễ thở. Nhiều bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh COPD, hen suyễn, suy tim hoặc xơ nang phổi thấy rằng việc nâng đầu giường hoặc sử dụng thêm gối kê dưới đầu và hai vai có thể hữu ích. Ngồi thẳng lưng hoặc ở tư thế “ba chân” (hai cánh tay thẳng trước người và đặt trên bàn) có thể hữu ích cho những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn như COPD hoặc hen suyễn. Mặt khác, người bị xơ phổi hoặc bệnh phổi hạn chế có thể thích nằm xuống mà không nâng cao đầu.
+ Thở mím môi có thể hữu ích, nhất là đối với bệnh nhân mắc COPD hoặc hen suyễn.
+ Qui định phương pháp kêu cứu bằng cách ra hiệu bàn tay.
Sau đây là một kế hoạch đơn giản về những gì gia đình hoặc người chăm sóc có thể làm để giúp một người đang bị khó thở đột ngột, hãy nghĩ đến chữ COMFORT.
C Call. Kêu cứu với giọng bình tĩnh. Hãy biết gọi ai, gọi khi nào và cách kêu cứu.
O Observe. Quan sát và hỏi “Bạn khó thở ra sao?” Nếu họ không thể nói, hãy quan sát các dấu hiệu khó thở là thở nhanh, cơ cổ căng cứng, bụng bị ép vào trong khi thở và khuôn mặt sợ hãi.
M Medication. Hãy biết các loại thuốc nào được sử dụng để trị cơn khó thở và chuẩn bị chúng sẵn sàng để sử dụng ngay. Chúng có thể là một thuốc giãn phế quản dạng hít, morphin hoặc thuốc an thần.
F Fan. Quạt thổi vào mặt. Ngoài ra, hãy mở cửa sổ hoặc làm mát phòng. Nếu đang lái xe, hãy mở cửa kính xe hoặc bật điều hòa để không khí lưu chuyển ngang qua mặt họ.
O Oxy. Cho thở oxy nếu trước đây thấy hữu ích.
R Reassure. Hãy trấn an bệnh nhân và ở lại với họ nếu họ muốn. Sử dụng các phương pháp thư giãn hoặc làm những việc khiến chung quanh yên tĩnh. Thí dụ: nhìn ra bên ngoài, các tranh ảnh có hướng dẫn, nghe nhạc, tĩnh tâm, cầu nguyện hoặc niệm chú (lặp đi lập lại một từ mang lại bình an có ý nghĩa). Xoa nhẹ bàn tay hoặc lưng.
T Take time. Thong thả, không được vội vàng. Nhiều khi người ta không muốn nói khi khó thở nặng.

Nếu cơn khó thở xảy ra thường xuyên, hãy biến kế hoạch hành động thành một việc làm thường qui, để bạn và gia đình/người chăm sóc biết sẽ làm gì tiếp theo. Bạn có thể phải thay đổi kế hoạch khi thấy ra điều gì đó không hiệu quả. Hãy nhớ rằng, khó thở khó chịu và gây sợ hãi nhưng không nhất thiết có hại. Bạn có thể bình phục, hết khó thở.

Với một kế hoạch hoặc thánh lễ hiệu quả, việc thường xuyên được thực hiện khi không khó thở, có thể làm giảm bớt sợ hãi và có thể tránh phải nhập viện cấp cứu.

 

Tác giả: Sutapa Mukherjee MBBS, FRACP, PhDAnn Schneidman MS, CNS, CHPN, RN; Lynn Reinke PhD, ARNP; DorAnne Donesky PhD, ANP; Virginia Carrieri-Kohlman, DNSc, RN  
Bình duyệt: Suzanne Lareau RN, MS; Mark Parshall PhD, RN 
Người dịch: Trần Thanh Lộc - BS Lê Thị Tuyết Lan 

Nguồn tài liệu

MedlinePlus
http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003075.htm

Patient.co.uk
http://www.patient.co.uk/health/controlledbreathing-pursed-lips-breathing

Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân

Nguồn: American Thoracic Society https://www.thoracic.org/patients/patient.../sudden-breathlessness.pdf