Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ
THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN
CÁCH CHUẨN BỊ TÌNH HUỐNG CẤP CỨU HOẶC THẢM HỌA KHI BẠN BỊ BỆNH PHỔI HOẶC RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
Cấp cứu và thảm họa có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đôi khi có cảnh báo trước về sự kiện này, chẳng hạn như khi một cơn bão lớn đang ập đến hoặc có một đợt bùng phát bệnh có thể ảnh hưởng đến bạn hoặc cộng đồng của bạn. Những trường hợp khác có thể không có cảnh báo, chẳng hạn như hỏa hoạn, động đất, hoặc rò rỉ khí, nước hoặc khí CO trong nhà của bạn. Nên lập kế hoạch cho những tình huống này, nhất là nếu bạn hoặc thành viên trong gia đình có vấn đề về phổi hoặc các bệnh khác.
Lập kế hoạch bao gồm các bước sau:
+ Bắt đầu lập kế hoạch TRƯỚC KHI tình huống cấp cứu xảy ra!
+ Soạn thảo kế hoạch cấp cứu cơ bản cho gia đình. Thảo luận kế hoạch này với gia đình của bạn để đảm bảo rằng mọi người đều quen thuộc với nó.
+ Soạn thảo kế hoạch cấp cứu y tế và luôn có sẵn nó trong tay. Hãy lập kế hoạch này cùng với các bác sĩ, công ty chăm sóc tại nhà, điều dưỡng và công ty thiết bị y tế của bạn.
Nếu tôi bị bệnh phổi, tôi có gặp nhiều rủi ro hơn trong tình huống cấp cứu hoặc thảm họa không?
Nếu bạn bị bệnh phổi hoặc rối loạn giấc ngủ cần được điều trị, bạn có thể bị nguy cơ cao hơn trong tình huống cấp cứu hoặc thảm họa. Nguy cơ này sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại vấn đề sức khỏe của bạn. Nếu bạn đã có vấn đề về phổi, nhiễm trùng hô hấp như cúm hoặc COVID-19 đặc biệt nguy hiểm. Để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng này, hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước, hoặc nước rửa tay chứa ít nhất 60% cồn, không chạm tay vào miệng, mũi hoặc mắt và tránh xa người bị bệnh. Nếu bạn bị bệnh, khi ho hoặc hắt hơn hãy che mũi miệng bằng khăn giấy và vứt bỏ, đồng thời thường xuyên làm sạch các bề mặt và vật dụng tiếp xúc bằng cách xịt thuốc hoặc lau chùi.
Trong lúc tình huống cấp cứu hoặc thảm họa, bạn có thể không tiếp cận được với dịch vụ y tế, thuốc men, điện, oxy và các nguồn cung cấp y tế khác. Chính quyền địa phương cố gắng lập kế hoạch cung cấp các dịch vụ đặc biệt cho mọi người có nguy cơ cao, được mô tả là có “nhu cầu đặc biệt” hoặc là nhóm dân “dễ bị tổn thương”. Bạn có thể bao gồm trong nhóm này nếu bạn là trẻ em hoặc người già, có vấn đề phổi mạn tính hoặc không nói được tiếng Anh. Các quan chức địa phương của bạn có thể không được chuẩn bị cho các nhu cầu và chăm sóc đặc biệt của bạn, tùy theo nơi bạn sinh sống. Do đó, kế hoạch của bạn cho tình huống cấp cứu cũng rất quan trọng.
Tôi nên có những gì ở tại nhà để giúp tôi chuẩn bị cho tình huống cấp cứu?
Mọi người nên có một kế hoạch cấp cứu gia đình cơ bản. Kế hoạch này nên bao gồm cách bạn sẽ giao tiếp với nhau và nhận được thuốc, thức ăn, nước uống và nơi ở.
Danh sách sau đây bao gồm các mục quan trọng cần có nếu bạn mắc bệnh phổi hoặc rối loạn giấc ngủ:
+ Hãy chắc chắn rằng bạn có một nơi an toàn để đi và cách thoát ly khi cần. Hãy hình dung ra bạn cách bạn sẽ du hành. Nếu lái xe, hãy chắc chắn rằng bạn có đầy bình xăng và hãy đỗ đầy bình xăng càng sớm càng tốt khi bạn biết cơn bão sắp xảy ra.
+ Bạn cần có cách liên lạc với chính quyền địa phương hoặc nhân viên cấp cứu. Hãy giữ điện thoại di động sạc đầy pin nếu bạn có và xem cách nào bạn có thể sạc nó bằng nguồn điện dự phòng khi cần. Hãy đảm bảo rằng bạn có cách kêu cứu nếu điện thoại không hoạt động được.
+ Bạn cần có đủ thuốc trong vài tuần. Đừng để thiếu hụt thuốc, kể cả loại thuốc bạn chỉ sử dụng khi cần.
+ Bạn cần dự trù đủ thức ăn và nước uống cho bạn và người đi cùng. Bạn tốt nhất nên dự trù 4 lít nước uống cho mỗi người mỗi ngày. Chọn các thức ăn không cần giữ lạnh và lập kế hoạch về cách bạn sẽ chế biến và ăn.
+ Bao giờ cũng có sẵn một số tiền mặt và cất dấu nơi an toàn.
Các quan chức địa phương có thể giúp tôi chuẩn bị tính huống cấp cứu như thế nào?
Nên giữ liên lạc với các quan chức địa phương và nhân viên y tế công cộng để bảo đảm bạn nhận được sự chăm sóc cần thiết trong tình huống cấp cứu. Các quan chức địa phương bao gồm phòng y tế công cộng, phòng cấp cứu địa phương (chẳng hạn như trạm cấp cứu hoặc sở cứu hỏa) và bệnh viện. Liên lạc với các cơ quan này trước khi cấp cứu và tìm ra những điều sau:
+ Có kế hoạch cung cấp oxy tại chỗ hoặc trong vùng trong tình huống cấp cứu hoặc thảm họa không?
+ Có kế hoạch tại chỗ để liên lạc với “các nhóm dân dễ bị tổn thương” trong tình huống thảm họa không? Nếu có, cách nào liên lạc?
+ Có kế hoạch tại chỗ để hỗ trợ máy thở không? Ai sẽ chăm sóc và cung cấp thiết bị y tế nếu tôi không còn ở tại nhà?
Điện
+ Liên lạc với các công ty điện lực tại chỗ và lưu ý họ nếu bạn hết sức cần điện cho các thiết bị y tế và hoặc để sưởi ấm/điều hòa không khí. Hoàn thành biểu mẫu tiết kiệm hoặc duy trì nguồn điện cùng với nhân viên y tế, yêu cầu công ty giúp đảm bảo nguồn điện. Lập kế hoạch dự phòng cho nguồn điện cấp cứu.
+ Hãy xin vào danh sách ưu tiên có điện trong trường hợp mất điện.
+ Lập kế hoạch tìm nguồn điện thay thế an toàn như ắc quy hoặc máy phát điện nếu không có điện.
+ Lập kế hoạch đến cơ sở y tế nếu sức khỏe của bạn xấu đi hoặc nếu bạn sắp cạn nguồn điện cần thiết.
Thiết bị
Thiết bị y tế có thể bao gồm bất cứ thứ gì cần điện như máy thở, máy hút hoặc máy nén khí y tế. Hãy suy nghĩ về những gì bạn sử dụng hàng ngày và những gì bạn cần khi bạn có các triệu chứng.
+ Giữ một danh sách tất cả các thiết bị y tế của bạn, bao gồm cách cài đặt, loại, kiểu và cấu tạo của thiết bị, số điện thoại và địa chỉ của nhà cung cấp.
+ Nếu bạn sử dụng máy tạo oxy, hãy yêu cầu nguồn cung cấp oxy di động cấp cứu không dùng điện (chẳng hạn như bình oxy cấp cứu).
+ Nếu mất điện, hãy hỏi cách liên lạc với nhà cung cấp oxy trong tình huống cấp cứu.
+ Nếu bạn sử dụng máy thở, hãy có một kế hoạch dự phòng tại nhà trong trường hợp mất điện, có thể bao gồm ắc quy hoặc máy phát điện. Hãy yêu cầu cơ quan y tế nếu bạn cần một máy hồi sức tự bơm hơi. Có kế hoạch trước trường hợp bạn cần vận chuyển đến cơ sở y tế.
+ Tìm cơ sở cấp cứu gần nhà có thể xử trí nhu cầu y tế của bạn.
Thuốc
+ Nếu bạn sử dụng thuốc hít bằng máy phun sương, hãy hỏi bác sĩ xem có ống hít cùng loại thuốc hoặc loại thuốc tương tự mà bạn có thể dùng thay thế nếu máy phun sương không hoạt động hoặc không có điện. Ngoài ra còn có một số máy nén khí y tế (cho máy phun sương) có thể chạy bằng pin dự phòng.
+ Có danh sách cập nhật về tất cả các loại thuốc bạn dùng và lý do bạn luôn mang theo bên mình.
+ Hỏi bác sĩ hoặc nhà thuốc cách làm thế nào bạn có thể nhận được thuốc dự trữ để dự phòng trong trường hợp có thuốc chậm.
+ Nếu bạn có các loại thuốc cần bảo quản lạnh, hãy lập kế hoạch về cách giữ lạnh cho chúng.
+ Lập kế hoạch nếu bạn có thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc cần đến thuốc đặc biệt khác.
Kế hoạch thoát ly
+ Nếu bạn thấy rằng bạn không thể ở tại nhà, bạn cần phải có một kế hoạch về nơi bạn đi đến và cách đi đến.
+ Bạn có thể có gia đình hoặc bạn bè ở nơi an toàn hơn.
+ Nếu bạn cần một nơi trú ẩn cộng đồng, hãy tìm nơi nào có thể giải quyết các nhu cầu y tế của bạn.
+ Đừng mong đợi bệnh viện tiếp nhận và chăm sóc cho bạn trước, trong và/hoặc sau sự cố, trừ khi đó là trường hợp cấp cứu. Trong một số trường hợp, bệnh viện có thể bị đóng cửa.
+ Nếu bạn trở bệnh nặng hơn, hãy tìm ra các cơ sở y tế gần nơi bạn sẽ đến.
Địa điểm
Chọn một địa điểm đủ xa (chẳng hạn như sâu trong đất liền trong trường hợp bị bão) để không có khả năng bị bão ảnh hưởng.
+ Bà con hoặc bạn bè thường là lựa chọn tốt nhất đầu tiên.
+ Nếu bạn đang đặt phòng khách sạn, hãy chọn nơi bạn muốn và gọi sớm! Cũng nên có một danh sách nơi thay thế.
+ Nếu bạn cần ở trong một nơi trú ẩn công cộng, hãy gọi 2-1-1 và chắc rằng bạn biết nó sẽ có năng lực xử trí thiết bị y tế của bạn.
+ Nếu bạn có thú nuôi, hãy chắc chắn tìm một khách sạn thân thiện với thú nuôi. Hầu hết các nơi trú nạn không nhận thú nuôi. Hãy hỏi thú y tại chỗ về nơi trú ẩn cho thú nuôi.
-----
Hành động
Hành động
Hãy nhớ rằng, bạn cần để ý đến sức khỏe của mình và gia đình; và chuẩn bị trước cho tình huống cấp cứu có thể xảy ra.
+ Có kế hoạch cấp cứu và luôn cập nhật thông tin.
+ Nói chuyện với bác sĩ, nhà thuốc và công ty thiết bị y tế bền vững của bạn để nhận thêm thuốc và bất kỳ dạng điện hoặc thiết bị cấp cứu cần thiết nào.
+ Bắt đầu lập kế hoạch càng sớm càng tốt.
+ Hình dung ra nơi bạn có thể đến nếu bạn không thể ở lại tại nhà và đến đó bằng cách nào.
+ Giữ danh sách các số điện thoại quan trọng và gọi sớm nếu bạn cần trợ giúp.
+ Nói chuyện với bác sĩ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm trùng trong một đại dịch.
Nếu bạn đã phơi nhiễm với một bệnh như COVID-19 hoặc cúm và có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, hãy liên lạc với bác sĩ để kiểm tra xem bạn có cần chăm sóc y tế hay không.
Nguồn
American Thoracic Society
www.thoracic.org/patients
American Red Cross
http://www.redcross.org/portal/site/en/menuitem
FEMA
http://www.fdem-mediacenter.org/PDF/Family_Disaster_ Plan.pdf
2-1-1 National Help Line to local public resources
www.211.org
Centers for Disease Control
http://emergency.cdc.gov/
Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân
Nguồn: American Thoracic Society
https://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/emergency-or-disaster.pdf