Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ
THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN
Ô nhiễm không khí và sức khỏe của bạn
Ô nhiễm không khí ngoài trời là một hỗn hợp của các hạt nhỏ và khí ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và người lớn. Tất cả mọi người tiếp xúc với ô nhiễm khi họ hô hấp. Một số nhóm người nhất định, bao gồm cả trẻ em và người lớn mắc các bệnh về phổi như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), trẻ sơ sinh và người già là đối tượng nguy cơ cao gặp vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí ngoài trời.
Nguồn ô nhiễm không khí có từ đâu?
Ô nhiễm không khí là tên gọi hỗn hợp các hạt và khí có hại trong không khí trong khi bạn hô hấp. Ô nhiễm không khí được tạo ra từ hoạt động của con người và các hiện tượng tự nhiên như đốt nhiên liệu hóa thạch từ các phương tiện có động cơ (ô tô, xe buýt và xe tải) và các nhà máy nhiệt điện (các nhà máy đốt than và khí tự nhiên), tạo ra một hỗn hợp các chất ô nhiễm, chẳng hạn như các hạt nhỏ (vật chất dạng hạt, PM), oxit nitơ (NOx) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).
Các phản ứng hóa học trong khí quyển giữa NOx và VOC tạo ra ozone ở tầng mặt đất, một thành phần của sương khói. Ngoài ra, còn có các nguồn gây ô nhiễm tự nhiên như núi lửa, các chất gây dị ứng trong không khí như phấn hoa, nấm mốc, cháy rừng và bão cát. Cháy rừng giải phóng một loạt chất ô nhiễm, từ PMs, acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp) đến các chất gây ung thư như formaldehyde và benzen. Các hạt bụi bay lên từ các con đường hoặc sa mạc cũng gây ô nhiễm không khí.
Nói chung, mức độ ô nhiễm không khí cao nhất ở nơi gần với nguồn tạo ra chúng. Các hạt nhỏ trong không khí từ khí thải của nhà máy điện hoặc cháy rừng có thể bay hàng nghìn dặm và ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở những khu vực xa hơn.
Ô nhiễm không khí ngoài trời có hại cho sức khỏe của tôi không?
Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, mức độ ô nhiễm không khí cao như khói cháy rừng gây ra các vấn đề sức khỏe cấp tính nghiêm trọng bao gồm các cơn hen suyễn, đợt cấp COPD, đau tim. Về lâu dài, mức độ ô nhiễm không khí có thể thấp hơn nhưng vẫn gây ra các vấn đề sức khỏe mạn tính nghiêm trọng bao gồm cả bệnh phổi.
Mức độ ô nhiễm thấp hơn này ảnh hưởng đến tất cả mọi người nhưng chỉ có thể được chú ý bởi những người đã có các bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh phổi hoặc tim. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng không khí ngắn hạn và dài hạn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bao gồm các nhóm dân số nhạy cảm như trẻ em, người già và những người mắc bệnh hen suyễn hoặc COPD.
Mặc dù không có mức ô nhiễm không khí nào là an toàn, nhưng việc đưa ra luật giảm mức độ ô nhiễm không khí được chấp nhận có thể giúp giảm số người phải nhập viện và tử vong do chất lượng không khí kém.
Các nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời cao hơn có liên quan đến các ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm:
Chức năng phổi kém, hơn bao gồm giảm sự phát triển của phổi ở trẻ em, ho có chất nhầy, khó thở, kích ứng cổ họng và chảy nước mũi.
Các cơn hen suyễn và đợt cấp COPD bao gồm cấp cứu và nhập viện.
Sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân và dị tật bẩm sinh.
Khám, cấp cứu và nhập viện DO vấn đề hô hấp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già.
Đau tim, đột quỵ.
Tử vong do nhiều nguyên nhân, bao gồm các vấn đề về hô hấp và tim.
Bạn có nguy cơ mắc bất kỳ triệu chứng nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay không tùy thuộc vào thể trạng chung của bạn và mức độ ô nhiễm tại nơi bạn sống.
Đối tượng nào dễ bị tác động bởi ô nhiễm không khí?
Đối tượng có nguy cơ bị tác động bởi ô nhiễm không khí cao nhất gồm:
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già
Trẻ em và người lớn mắc bệnh phổi như hen suyễn và COPD
Người lớn bị bệnh tim
Tôi có thể tìm thấy thông tin về chất lượng không khí ở khu vực tôi sống như thế nào?
Chất lượng không khí đã được cải thiện ở Hoa Kỳ trong vài thập kỷ qua. Điều này đã làm giảm số người gặp vấn đề sức khỏe do hít thở không khí ngoài trời. Tuy nhiên, rủi ro sức khỏe tiếp tục là một vấn đề, đặc biệt đối với những người sống gần các con đường chính, nhà máy điện và các nguồn ô nhiễm không khí khác. Bảng thông tin dưới đây cho phép bạn tra cứu chất lượng không khí trong khu vực của mình:
Nguồn tin chất lượng không khí |
Mô tả |
Airnow.gov(cơ quan bảo vệ môi trường) |
Chỉ số chất lượng không khí được mã hóa theo màu. Chỉ số càng cao thì mối quan tâm về sức khỏe càng lớn. Đối với những người bị bệnh phổi, chỉ số chất lượng không khí màu vàng có thể không tốt cho sức khỏe. |
www.stateoftheair. Org (Hiệp hội phổi Hoa Kỳ) |
“Phiếu báo cáo” chất lượng không khí hàng năm cho mỗi bang của Hoa Kỳ về ô nhiễm ôzôn (khói bụi) và ô nhiễm hạt (PM2.5, còn được gọi là hạt mịn). Báo cáo phân loại các quận và xếp hạng các thành phố và bang dựa trên mức độ ô nhiễm. |
www.healthoftheair. org (Hội lồng ngực Hoa Kỳ; viện NYU Marron) |
Cung cấp số người ước tính mắc bệnh và tử vong do mức độ PM2.5 và ôzôn cao hơn tiêu chuẩn EPA và tiêu chuẩn khuyến nghị ATS cấp thành phố và cấp quận. |
Ứng dụng cảm ứng khói (EPA) |
Dự báo về chất lượng không khí, tìm hiểu về cách bảo vệ khỏi khói cháy rừng và giúp thu thập dữ liệu ẩn danh từ nguồn cộng đồng về cháy rừng |
Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của mình?
Ở trong nhà vào những ngày chất lượng không khí kém (bạn có thể sử dụng chỉ số chất lượng không khí làm hướng dẫn).
Đóng cửa sổ và sử dụng điều hòa nhiệt độ vào những ngày nóng nực, nhiều khói bụi.
Tránh các nguồn ô nhiễm không khí trong nhà, chẳng hạn như hút thuốc lá, sử dụng bếp củi và lò sưởi lộ thiên
Vào những ngày chất lượng không khí kém, hãy tắt các thiết bị mang không khí ngoài trời vào nhà, chẳng hạn như máy làm mát bằng cách bốc hơi nước hoặc hệ thống thông khí với khí trời
Sử dụng bộ lọc không khí dạng hạt hiệu quả cao (HEPA) trong phòng ngủ có thể giúp giảm các triệu chứng hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí. Không sử dụng máy tạo ozone.
Dùng thuốc điều trị bệnh hen suyễn và tim để thực hiện các kế hoạch hành động của bạn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mặc dù các nguy cơ sức khỏe của việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể nghiêm trọng, điều quan trọng là bạn phải tập thể dục và hít thở không khí ngoài trời.
Nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn về mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe của bạn. Tập thể dục thường xuyên, nhưng cố gắng tránh tập thể dục trên những con đường đông đúc, gần các nguồn ô nhiễm không khí khác hoặc vào những ngày chất lượng không khí kém.
Các bước hành động
Ở trong nhà khi có khuyến cáo về chất lượng không khí đặc biệt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nói chuyện với Ban giám hiệu trường học của con bạn về việc ở trong nhà trong những ngày chất lượng không khí không được an toàn.
Hỗ trợ các nỗ lực để kiểm soát ô nhiễm không khí trong cộng đồng của bạn, chẳng hạn như thúc đẩy cơ sở hạ tầng đi bộ và đi xe đạp để vận động tích cực các khu vực cấm xe và cấm xe gần trường học, doanh nghiệp và khu công nghiệp.
Nguồn
Hội lồng ngực Hoa Kỳ
-Vấn đề chất lượng không khí trong nhà
-Hướng dẫn về thảm họa cháy rừng
Hiệp hội phổi Hoa Kỳ
Ô nhiễm không khí và sức khỏe, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
http://www.who.int/phe/health_topics/outdoorair/en/
Bảo vệ môi trường khẩn cấp
Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật
Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân
https://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/outdoor-air-pollution.pdf