Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ

THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN

Hội chứng kiệt sức (Burnout Syndrome-BOS) là gì?

Được mô tả lần đầu vào thập niên 70 của thế kỷ XX, BOS là một nhóm triệu chứng liên quan đến công việc. Nó thường xảy ra ở những người không có tiền sử rối loạn tâm lý hoặc tâm thần trước đó. BOS bắt đầu xuất hiện từ sự khác biệt giữa kỳ vọng, tư tưởng của nhân viên và yêu cầu thực tế trong vị trí của họ. Trong giai đoạn đầu của BOS, các cá nhân cảm thấy căng thẳng về cảm xúc và ngày càng mất niềm tin vào công việc.

Sau đó, họ mất khả năng thích ứng với môi trường làm việc và thể hiện thái độ tiêu cực đối với công việc, đồng nghiệp và bệnh nhân của họ. Cuối cùng, ba triệu chứng kiệt sức xuất hiện: kiệt sức, thay đổi tính cách và giảm năng suất lao động.

 

Kiệt sức

Kiệt sức: là tình trạng mệt mỏi tổng quát có thể liên quan đến việc dành quá nhiều thời gian và nỗ sức cho một nhiệm vụ hoặc dự án không có lợi ích. Ví dụ, cảm giác kiệt sức, đặc biệt về mặt tinh thần, có thể do chăm sóc bệnh nhân có khả năng hồi phục rất thấp.

Vô cảm: là thái độ xa cách hoặc thờ ơ với công việc. Thể hiện qua những hành vi tiêu cực, nhẫn tâm với các đối tượng yếu thế; hoặc giao tiếp lạnh lùng với đồng nghiệp hoặc bệnh nhân. Sự vô cảm còn được thể hiện qua đánh giá thiếu khách quan, chuyên nghiệp với đồng nghiệp, đổ lỗi cho bệnh nhân về các vấn đề sức khỏe hoặc không thể bày tỏ sự đồng cảm hoặc đau buồn khi một bệnh nhân qua đời.

Giảm năng suất lao động là xu hướng đánh giá tiêu cực giá trị công việc, cảm thấy không đủ năng sức thực hiện công việc và kém tự trọng nghề nghiệp. Những người bị BOS cũng có thể bị các triệu chứng không cụ thể bao gồm cảm thấy thất vọng, tức giận, sợ hãi hoặc lo lắng. Họ cũng không cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, hài lòng hoặc mạn nguyện. BOS có thể liên quan đến các triệu chứng thể chất bao gồm mất ngủ, căng cơ, đau đầu và các vấn đề về đường tiêu hóa.

Tầm bệnh nhân nguy kịch của vấn đề

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở tuyến đầu (y học gia đình, cấp cứu, nội khoa tổng quát và chăm sóc nguy kịch) báo cáo tỷ lệ BOS cao nhất; vượt quá 40%. Làm việc trong Đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) có thể đặc biệt căng thẳng do tỷ lệ mắc và tử vong của bệnh nhân cao, công việc hàng ngày đầy thử thách và gặp phải các vấn đề liên quan đến tổn thương và đạo đức.

Mức độ căng thẳng gần như liên tục này có thể tăng tốc nhanh chóng khi những người chăm sóc nhận thấy không có đủ thời gian hoặc nguồn sức hạn chế để chăm sóc bệnh nhân đúng cách. Thật không may, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch lại có một trong những tỷ lệ BOS cao nhất. Dựa trên nhiều nghiên cứu, khoảng 25-33% y tá chăm sóc bệnh nhân nguy kịch biểu hiện các triệu chứng của BOS nặng và lên đến 86% có ít nhất một trong ba triệu chứng cổ điển. Khi so sánh với các y tá khác, BOS xảy ra phổ biến hơn ở các y tá chăm sóc bệnh nhân nguy kịch. BOS cũng phổ biến ở các bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhóm này. Có tới 45% bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nguy kịch cho biết có các triệu chứng của BOS nặng. Trong số các bác sĩ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nguy kịch cho trẻ em có tình trạng nguy kịch, tỷ lệ BOS là 71%, cao hơn gấp đôi tỷ lệ ở các bác sĩ nhi khoa nói chung.

Cách đánh giá, đo lường để phát hiện BOS

Hội chứng kiệt sức thường được đo với Bảng kê kiệt sức Maslach (MBI-HS). MBI-HS là một bảng câu hỏi tự đánh giá gồm 22 mục bao gồm ba khía cạnh được chấm điểm độc lập (kiệt sức về cảm xúc, vô cảm và thiếu hoàn thành công việc cá nhân). Các câu hỏi trong MBIHS phân loại cảm xúc liên quan đến môi trường làm việc của một cá nhân trên thang điểm Likert 7 điểm. Thang đo mức độ kiệt quệ về mặt cảm xúc bao gồm 9 mục và xác định những cá nhân kiệt sức về mặt cảm xúc hoặc những người cảm thấy nỗ sức quá mức trong công việc, thang đo mức độ vô cảm bao gồm 5 mục và xác định những người có phản ứng vô cảm đối với bệnh nhân mà họ đang chăm sóc và thang điểm thành tích cá nhân bao gồm 8 mục và đánh giá mức độ chưa hoàn thành, thành công của công việc.

Các yếu tố nguy cơ

Yếu tố cá nhân và tổ chức đều có thể làm tăng khả năng kiệt sức

Các yếu tố rủi ro cá nhân:

• Có lòng tự trọng kém

• Cơ chế đối phó không phù hợp

• Những người trẻ tuổi có thế giới quan lý tưởng hóa

• Kỳ vọng một cách phi thực tế

• Gặp vấn đề tài chính

Các yếu tố rủi ro của tổ chức:

• Nhiều việc

• Xung đột với đồng nghiệp

• Tài nguyên bị giảm sút

·    Thiếu kiểm soát hoặc đầu tư

• Mất cân bằng giữa nỗ lực-khen thưởng

• Thiếu nhân sự

• Thay đổi cơ chế nhanh

Cụ thể đối với môi trường chăm sóc bệnh nhân nguy kịch, các yếu tố nguy cơ đối với y tá:

• Sự thay đổi lịch làm việc

• Bệnh nhân luân chuyển nhanh chóng

• Các sự kiện cận tử

Các bác sĩ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nguy kịch có nhiều yếu tố nguy cơ giống y tá nhưng phải đương đầu không ngừng nghỉ với khối lượng công việc mà họ dự kiến phải hoàn thành không kể ngày đêm hoặc ngày nghỉ cuối tuần

Hậu quả của hội chứng kiệt sức (BOS)

BOS trong các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nguy kịch có thể dẫn đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương (post-traumatic stress disorder-PTSD), lạm dụng rượu và thậm chí có ý định tự tử. PTSD được thể hiện bằng sự hướng nội, trốn tránh những thay đổi tiêu cực trong nhận thức, tâm trạng và những thay đổi rõ rệt về sự tỉnh táo và phản ứng. PTSD có thể xảy ra để phản ứng với một sự kiện thảm khốc hoặc sau khi tiếp xúc mạn tính hoặc lặp đi lặp lại với các đợt sang chấn.

Từ 22-29% y tá chăm sóc bệnh nhân nguy kịch có các triệu chứng của PTSD và có tới 18% y tá chăm sóc bệnh nhân nguy kịch đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán PTSD. Sự gia tăng của BOS có thể dẫn đến việc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe rời bỏ nghề của họ. Tỷ lệ luân chuyển quá mức làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất, giảm tinh thần của nhân viên và giảm chất lượng chăm sóc tổng quát vì các chuyên gia có kinh nghiệm rời ICU phải được thay thế.

Ở các y tá ICU, tình trạng luân chuyển thường xuyên xảy ra với tỷ lệ hàng năm được báo cáo dao động trong khoảng 13-20%: tỷ lệ thay đổi trung bình hàng năm của Hoa Kỳ năm 2013 cho tất cả các loại nhân viên là 10,4%. BOS cũng dẫn đến giảm hiệu quả lâm sàng và hiệu suất công việc kém có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân. BOS ở y tá liên quan đến chất lượng chăm sóc thấp hơn, sự hài lòng của bệnh nhân thấp hơn, số lỗi y tế tăng, tỷ lệ nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe tăng và tỷ lệ tử vong trong 30 ngày cao hơn. Có mối quan hệ “phản ứng-liều lượng” và “hai chiều” mạnh mẽ giữa số liệu kiệt sức và lỗi y tế: sai sót dẫn đến stress và stress dẫn đến sai sót

Khả năng điều trị hoặc phòng ngừa BOS

Các can thiệp dựa trên bằng chứng để điều trị và ngăn ngừa BOS hiện không có sẵn trong các chuyên gia chăm sóc đặc biệt. Các can thiệp tập trung vào cả can thiệp của cá nhân và tổ chức nên được phát triển. Khả năng phục hồi là một đặc điểm tâm lý mà cá nhân điều chỉnh một cách lành mạnh sau một vấn đề nghiêm trọng. Khả năng phục hồi đã được công nhận là một cơ chế để giảm thiểu các triệu chứng và sự phát triển của PTSD sau chấn thương và có thể ngăn ngừa và điều trị BOS. Mặc dù có những phẩm chất bẩm sinh hoặc vốn có của sự kiên cường, nhưng có những phẩm chất kiên cường có thể học được. Ví dụ về các kỹ năng phục hồi bao gồm: lạc quan, phát triển tính linh hoạt về nhận thức, thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội, rèn luyện chánh niệm và tập thể dục.

Các can thiệp của tổ chức nên duy trì một môi trường làm việc lành mạnh. Hiệp hội Y tá Chăm sóc Bệnh nhân nguy kịch Hoa Kỳ (AACN) đã xác định sáu tiêu chuẩn để thiết lập và duy trì một môi trường làm việc lành mạnh có thể được nhắm mục tiêu để ngăn ngừa và điều trị BOS. Sáu tiêu chuẩn bao gồm:


• Có kỹ năng giao tiếp

• Nhân sự phù hợp

• Sự hợp tác tốt

• Biểu dương xứng đáng

• Ra quyết định hiệu quả

• Khả năng lãnh đạo thực sự


Một thử nghiệm nhỏ ngẫu nhiên có đối chứng về đào tạo khả năng phục hồi đã được thực hiện ở các y tá ICU. Các cuộc khảo sát đã được xác thực để đo lường khả năng phục hồi, PTSD, lo lắng, trầm cảm và hội chứng kiệt sức. Nhóm can thiệp bao gồm hội thảo giáo dục kéo dài hai ngày, liệu pháp tiếp xúc bằng văn bản, giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (mindfulnessbased stress reduction-MBSR), tập thể dục và các buổi trị liệu hành vi nhận thức qua sự kiện được tạo ra. Nhóm kiểm soát không có bất kỳ can thiệp nào do theo quy trình. Các kết quả cho thấy can thiệp là khả thi và có thể được chấp nhận.

Cũng có sự cải thiện về số liệu khả năng phục hồi, số liệu về triệu chứng PTSD và các triệu chứng trầm cảm. Cần có các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên lớn đủ mạnh để đạt được ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu lớn hơn, ngẫu nhiên có đối chứng là cần thiết để xác định các chiến lược và can thiệp ngăn ngừa và điều trị hội chứng kiệt sức và các rối loạn tâm lý khác như PTSD, lo lắng và trầm cảm ở các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Các bước hành động

1. Hãy hiểu rằng có nhiều cách bạn làm để kiểm soát những yếu tố gây căng thẳng liên quan đến công việc khiến bạn bị kiệt sức.

2. Nhờ sự hỗ trợ của quản lý, đồng nghiệp và bạn bè. Điều đó có thể giúp bạn đối phó với căng thẳng trong công việc và hội chứng kiệt sức.

3. Nghỉ ngơi. Ra ngoài đi dạo hoặc hít thở không khí trong lành. Tập thể dục được biết là giúp tăng cường trạng thái thể chất và tâm trạng của bạn.

4. Hiểu những gì bạn thích về công việc và tập trung vào sở thích và đam mê.

5. Thực hành các kỹ thuật như điều chỉnh lại và lạc quan khi đối mặt môi trường làm việc căng thẳng.

Tác giả : : Meredith Mealer, PhD, Marc Moss, MD.,Vicki Good, RN, MSN, CENP, CPPS, David Gozal, MD, MBA, Ruth Kleinpell, PhD RN FAAN FCCM, Curtis Sessler, MD, FCCP, FCCM

Phản biện: Marianna Sockrider, MD, DrPH, Christopher Slatore, MD, MS

Người dịch: Trần Thanh Lộc - BS. Lê Thị Tuyết Lan

Nguồn tin

Maslach, C., Schaufeli, W. & Leiter, M. (2001). Job Burnout. Annual Review of Psychology, 397-422. Mealer, M. et al. (2014). Feasibility and acceptability of a resilience training program for intensive care unit nurses. American Journal of Critical Care, 23(6), 97-105

Liên hiệp hội chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế www.aacn.org

Maslach Burnout Inventory (MBI)—abbreviated version, available at https://www.aap.org/en-us/Documents/soim_abbreviated_maslach_ burnout_inventory.pdf

Bài viết này được dịch với sự cho phép của Hội Lồng Ngực Hoa Kỳ trong loạt bài thông tin dành cho bệnh nhân

Nguồn: American Thoracic Society https://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/burnout-syndrome.pdf